(Tổ Quốc) - Hoàng Anh Gia Lai là cái tên số một, nhưng đó là trên bảng xếp hạng V-League thời điểm hiện tại. Còn trên phương diện kinh doanh, giới đầu tư đang phân vân không biết công ty của bầu Đức còn thế mạnh gì?
Vẫn là một công ty nông nghiệp?
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 không còn có sự hiện diện của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) với tư cách là công ty con.
Câu hỏi đặt ra là HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức còn lại những gì sau khi bán lượng lớn cổ phần HNG cho phía Thaco?
Trong báo cáo tài chính quý 1, HAGL nêu hoạt động chính trong kỳ là kinh doanh các loại cây ăn trái, kinh doanh kho bãi, sơ chế nông phẩm và dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh khách sạn, các hoạt động thể thao – giải trí.
HAGL hiện còn 4 công ty con hoạt động trong mảng nông nghiệp là Hưng Thắng Lợi Gia Lai, Nông nghiệp Đại Thắng, Nông nghiệp Khăn Xay và Chăn nuôi Gia Lai. Trong đó, Đại Thắng và Khăn Xay hoạt động tại Lào.
HAGL cũng sở hữu CTCP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai. Công ty của bầu Đức là chủ câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League sau 12 vòng đấu với 29 điểm. Hoàng Anh Gia Lai đang có trong đội hình lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Minh Vương…
HAGL còn là công ty mẹ của Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai (Bệnh viện HAGL) và công ty Hoàng Anh Gia Lai Vientiane chưa hoạt động.
Trên thực tế, doanh thu quý 1 của HAGL phần lớn đến từ mảng nông nghiệp, bao gồm 115 tỷ đồng bán trái cây, 70 tỷ đồng doanh thu bán heo, 35 tỷ đồng bán sản phẩm hàng hóa và 46 tỷ đồng cung cấp dịch vụ khác.
Như vậy, dựa trên những yếu tố kể trên, HAGL có thể xem như vẫn là một công ty nông nghiệp sau khi bán đi công ty Nông nghiệp HAGL.
Doanh thu bán heo đang tỏ ra là một trong những nguồn thu tiềm năng của HAGL, năm ngoái công ty của bầu Đức lần đầu ghi nhận mảng kinh doanh này, đem về hơn 121 tỷ đồng.
Mảng thịt heo xuất phát từ Công ty Chăn nuôi Gia Lai. HAGL đã chuyển đổi toàn bộ 5.886 tỷ đồng nợ vay và khoản phải thu với công ty này thành vốn cổ phần, biến Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con. Bản thân Chăn nuôi Gia Lai tính đến hết năm 2019 lỗ lũy kế tới 6.100 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 797 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ HAGL.
Nợ nhiều nhưng cho vay cũng lắm
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của HAGL giảm từ 37.266 tỷ đồng xuống còn 18.416 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai được chuyển thành công ty liên kết. HAGL sở hữu 27,01% HNG, tương ứng giá trị ghi sổ 2.664 tỷ đồng.
Với khoản mục nợ phải trả, HAGL ghi nhận còn 1.284 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 7.426 tỷ đồng nợ dài hạn, ngoài ra còn 3.033 tỷ đồng chi phí lãi vay (gồm nợ vay ngân hàng, trái phiếu…). Như vậy, tổng số nợ vay của HAGL vẫn còn tới 11.743 tỷ đồng.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) cuối kỳ hơn 2,88 lần, thậm chí còn cao hơn so với trước khi tách Nông nghiệp HAGL 2,72 lần.
Cho dù nợ vay vẫn còn rất lớn, nhưng cơ cấu tài sản của HAGL đang có những khoản phải thu cho vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nó bao gồm 5.157 tỷ đồng phải thu cho vay ngắn hạn, riêng với bên liên quan là 4.507 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phải thu cho vay dài hạn 4.038 tỷ đồng, với bên liên quan là 2.825 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm, HAGL phát sinh khoảng 2.160 tỷ đồng tiền cho vay với nhóm công ty Nông nghiệp HAGL (cả ngắn và dài hạn).
Tổng giá trị các khoản cho vay của HAGL tại thời điểm cuối quý 1 ghi nhận 9.195 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm.
Ngoài Nông nghiệp HAGL, một trong những khoản cho vay lớn của HAGL là với CTCP Lê Me (công ty liên quan), cho vay ngắn hạn 3.757 tỷ đồng, cho vay dài hạn 840 tỷ đồng. Khoản nợ của Lê Me đã tồn tại trên báo cáo tài chính của HAGL trong vài năm gần đây.
Đông A