(Tổ Quốc) - Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 360 triệu USD loại hạt này, trong hai tháng đầu năm 2023. Campuchia đã chiếm tới 130 triệu USD.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu 272 nghìn tấn hạt điều thô, với giá trị hơn 360 triệu USD, tăng 78,2% về lượng và tăng 52,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Campuchia tiếp tục là thị trường cung cấp điều lớn nhất cho Việt Nam. Trong 2 tháng qua, giá trị nhập khẩu điều từ nước này ước đạt gần 130 triệu USD, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cả năm 2022, Việt Nam đã chiếm tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu điều 2 tháng đầu năm chỉ đạt 353 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong hai tháng, ngành điều nhập siêu gần 7 triệu USD sau khi cả năm 2022 xuất siêu gần 400 triệu USD.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu điều thô lên tới hơn 4,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên Việt Nam nhập siêu trong hơn 30 năm xuất khẩu điều nhân ra thế giới.
Tổng cục Hải quan lúc đó đánh giá đây là tình trạng bất thường của ngành điều. Ngay sau đó, đơn vị này đã vào cuộc phát hiện lớn lượng hạt điều có dấu hiệu gian lận thương mại từ Campuchia đưa vào Việt Nam dưới dạng hàng nhập để sản xuất xuất khẩu. Sau khi phát hiện sự bất thường, cơ quan Hải quan đã điều tra, khởi tố 2 vụ án liên quan và đang đồng loạt kiểm tra các lô hàng.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng lượng hạt điều thô nhập khẩu tăng đột biến từ Campuchia vào hai tháng đầu năm 2023 là đúng bởi hiện nay đang diễn ra mùa vụ thu hoạch hạt điều tại Campuchia. Khoảng 4 - 5 năm nay, tất cả hạt điều của Campuchia đều bán cho người Việt Nam.
Ông Bạch Khánh Nhựt nói thêm rằng 99% hạt điều thô của Campuchia là bán sang thị trường Việt Nam, còn 1% là họ để tiêu dùng trong nước chứ không xuất khẩu đi thị trường khác. Theo đó, do vấn đề về logistics, một lô hàng hạt điều, khi họ bán sang thị trường Việt Nam chỉ khoảng 1 - 2 ngày là họ có thể thu tiền, trong khi bán sang thị trường Ấn Độ, họ phải chi phí container, chi phí cước tàu biển…
“Lợi nhuận cao, vận chuyển nhanh, thanh toán dễ dàng nên 99% điều thô từ thị trường Campuchia đang có xuất khẩu về Việt Nam và tạo nên mối quan hệ mua – bán giữa doanh nghiệp hai nước với nhau", ông Bạch Khánh Nhựt nói.
Việt Nam có khoảng 300.000 ha trồng điều
Trong quá trình giao dịch thời điểm này, có thể doanh nghiệp Việt Nam do chưa có đơn hàng xuất khẩu điều nhân, trong khi vụ mùa thu hoạch điều của Campuchia đang diễn ra, nên họ có thể trả trước tiền hàng, còn hàng thì gửi tại kho ở Campuchia để chờ thị trường xuất khẩu sôi động trở lại. Hoặc có thể họ vận chuyển về và trữ trong kho của nhà máy.
“Nhập khẩu điều thô tăng mạnh, việc mua bán này là do doanh nghiệp hai nước đang giữ mối với nhau. Vào mùa vụ thì doanh nghiệp phải mua vào, chứ không phải là do đơn hàng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam tăng nóng", ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh.
Tại châu Phi, vụ mùa đang diễn ra ở các nước Đông Phi gồm Tanzania và Mozambique. Nhưng hiện nay, sản lượng nhập khẩu của Việt Nam từ các thị trường này về chưa nhiều. Bởi hiện mới đầu năm, các thị trường nhập khẩu hạt điều nhân của Việt Nam vẫn chưa khởi động hợp đồng mua mới. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất hạn chế trong việc nhập điều thô. Do đó, việc nhập khẩu điều thô hiện nay đang rất chậm so với cùng thời kỳ những năm trước.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đánh giá, hoạt động sản xuất, cung ứng ngành điều toàn cầu cũng như trong nước đang có nhiều khó khăn, tiêu thụ điều trên thị trường thế giới giảm. Vinacas đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu điều năm 2023 ở mức 3,1 tỷ USD, tức chỉ tăng khoảng 30 triệu USD so với năm 2022.
Hiện nay, diện tích trồng điều của Việt Nam khoảng 300.000 ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Do đó, Vinacas đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích trong nước, Vinacas đề nghị giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào.
Hoàng Anh