(Tổ Quốc) - Sau khoảng 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường du lịch toàn cầu bùng nổ. Tình trạng quá tải hàng không diễn ra trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, lượng hành khách tại các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng liên tục quá tải. Nhiều khách chờ cả tiếng mới được hoàn tất thủ tục hàng không.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) vừa công bố BCTC quý 2/2022 với tình hình khả quan trở lại. Ghi nhận, doanh thu trong kỳ gấp hơn 2 lần lên 296 tỷ đồng, lợi nhuận gộp theo đó đạt 149 tỷ - gấp 3 lần con số 48 tỷ đồng hồi quý 2/2021.
Doanh thu tài chính cũng cải thiện đáng kể. Khấu trừ chi phí, SAS thu về gần 84 tỷ LNST, trong khi cùng kỳ thua lỗ hơn 14 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng, SAS ghi nhận 427 tỷ doanh thu - tăng 111% so với nửa đầu năm ngoái. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế gần 86 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 1,8 tỷ đồng.
Như vậy, sau gần 2 năm liên tục chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch, tình hình kinh doanh của SAS đang dần hồi phục theo đà hồi phục của thị trường hàng không.
Ghi nhận thực tế, sau khoảng 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường du lịch toàn cầu bùng nổ. Tình trạng quá tải hàng không diễn ra trên khắp thế giới. Lưu lượng vận tải tăng cao hơn so với dự đoán trước đó. Thậm chí, một trong những sân bay lớn nhất châu Âu và quy mô hành khách qua cảng thuộc hàng lớn nhất thế giới là London Heathrow (Anh) đã yêu cầu dừng bán vé. Tại Việt Nam, lượng hành khách tại các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng liên tục quá tải. Nhiều khách chờ cả tiếng mới được hoàn tất thủ tục hàng không.
Được biết, SAS hiện hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu trong mảng bán lẻ, kinh doanh hàng miễn thuế và kinh doanh dịch vụ tại thị trường mục tiêu là sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Phía SAS cũng nhấn mạnh, trong kỳ tình hình SXKD của Công ty bắt đầu được khôi phục làm cho doanh thu và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Hiện, cơ cấu cổ đông hiện tại của SAS gồm cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (49,07%), cùng 3 cổ đông chiến lược đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC), tổng tỷ lệ sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là 45,26%. Ông Hạnh Nguyễn hiện đang giữ chức Chủ tịch của Sasco và vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên là Thành viên HĐQT.
Với sự chi phối tại SAS, mặc dù gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến nhiều trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, nhưng dịch vụ sân bay thực tế mới là nguồn thu chính của Tập đoàn, hàng năm đóng góp phân nửa lợi nhuận với hàng trăm tỷ đồng.
Tri Túc