Hé lộ kết quả kinh doanh quý 1 của FE Credit

(Tổ Quốc) - Năm 2022, FE Credit đặt ra mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng là hơn 5.000 tỷ đồng trước thuế.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc ngân hàng VPBank cho biết, công ty con FE Credit đã trở thành công ty tài chính có 49% vốn nước ngoài do SMBC sở hữu. Sau 1 năm khó khăn vì đại dịch covid-19 vừa qua, hoạt động của FE Credit đã có sự hồi phục tích cực thời gian gần đây. 

"Chúng tôi thường xuyên đánh giá để đảm bảo FE Credit tiếp tục phát triển, dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Năm 2021 là năm khó khăn với tài chính tiêu dùng, bị ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch. Nhưng so với các công ty tài chính tiêu dùng trong khu vực , chúng tôi cũng đã tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực. FE Credit cũng đã hỗ trợ khách hàng hàng nghìn tỷ đồng trong quý 3 quý 4 năm 2021. Tiếp tục đà phục hồi trong quý 4/2021, quý 1 năm nay công ty chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, dù tăng trưởng chưa cao nhưng khối lượng bán mới đã chuyển biến tích cực". 

Cuối 2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của FE Credit tăng lên 13% khi ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên với việc nền kinh tế đang dần phục hồi, có thể kỳ vọng đưa NPL xuống mức trước đại dịch, tức dưới 6%. 

Trong quý đầu năm, tình hình thu hồi nợ cũng được cải thiện, trừ tháng 2 bị ảnh hưởng yếu tố mùa vụ, nghỉ Tết Nguyên Đán. Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục được củng cố trong những tháng tiếp theo, chỉ trừ khi có các biến cố bất thường ảnh hưởng sâu rộng tới toàn nền kinh tế. 

Trong quý 1/2022, lợi nhuận của FE Credit đã đạt 800 tỷ đồng, gấp 2 lần mức đạt được cả năm 2021. "Chúng tôi tin chưa dừng lại ở mức này mà quý tới sẽ tăng tốt hơn, khi kiểm soát rủi ro tốt hơn và có sự hợp tác của SMBC", lãnh đạo của VPBank chia sẻ. Năm 2022, FE Credit đặt ra mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng là hơn 5.000 tỷ đồng trước thuế. 

Không chỉ FE Credit mà ngân hàng mẹ VPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao trong năm nay. Theo đó, ngân hàng dự kiến, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 sẽ đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng tăng 35%. 

Theo lãnh đạo ngân hàng, kế hoạch này có cơ sở bởi Quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đã đạt 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ 2016, trung bình lợi nhuận quý 1 chiếm 23% lợi nhuận cả năm trong khi đó chỉ riêng trong quý 1/2022 lợi nhuận trước thuế thực tế đã đạt 37% kế hoạch năm 2022 đang trình ĐHĐCĐ. Đây là bước chạy đà hoàn hảo để ngân hàng đạt mục tiêu tham vọng đã đề ra. 

Lợi nhuận tăng đột biến trong quý 1 là nhờ VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất (TOI) đạt 18.270 tỷ đồng, tăng 65,3% so với cùng kỳ. Thu nhập thuần từ lãi hợp nhất đạt 9.888 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ, trong khi đó thu nhập ngoài lãi đạt 8.381 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhờ khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và AIA Việt Nam.

Đồng thời, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh cũng giúp đưa quy mô vốn chủ sở hữu (VCSH) của VPBank lên hơn 95 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với cùng kỳ và đưa hệ số CAR hợp nhất lên hơn 15%.

Tính đến hiện tại, tổng số khách hàng VPBank (cả ngân hàng mẹ và các công ty con) đã cán mốc gần 20 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ qua kênh số hóa trong quý I/2022 đạt 90%, tăng 13% so với thời điểm cuối năm 2021.

Thu Thuỷ

Tin Cùng Chuyên Mục
Có một ngân hàng không bao giờ nghỉ Tết

Có một ngân hàng không bao giờ nghỉ Tết

Theo đại diện BVBank, sự phát triển của hệ thống ngân hàng giao dịch tự động được coi là mảnh ghép giúp hình ảnh của các nhà băng trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trở nên hoàn thiện hơn. Người dùng hưởng lợi khi thực hiện các giao dịch dễ dàng, không còn phải đến quầy giao dịch truyền thống.
Tin mới