Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

(Tổ Quốc) - Trong hai ngày 23-24.11, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia giáo dục uy tín trong nước và quốc tế. Trong chuỗi hoạt động gồm 4 phiên, các chuyên gia đã cùng thảo luận, chia sẻ các kỹ năng, phương pháp và các cấu trúc, mô hình để có môi trường học tập hạnh phúc.

Đặc biệt, hội thảo không chỉ có các phiên thảo luận chuyên môn sâu dành cho các chuyên gia mà còn có các phiên chia sẻ dành cho phụ huynh, các buổi thảo luận và tập huấn dành cho giáo viên, nhằm mang hạnh phúc toàn diện không chỉ cho học sinh mà cho cả giáo viên, phụ huynh, góp phần đổi mới giáo dục, thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Với những nội dung thiết thực, thú vị, tư tưởng hiện đại và cởi mở, hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên, phụ huynh và những người làm trong ngành giáo dục. Như với phiên hội thảo dành cho phụ huynh chiều 23.11, BTC cho biết đã phải tăng thời gian mở cổng đăng ký tham gia do số lượng người quan tâm quá lớn.

Định hướng lớn của ngành giáo dục

Phát biểu khai mạc hội thảo, Anh hùng Lao động Thái hương, Nhà sáng lập EDI nhấn mạnh: "Một môi trường học đường hạnh phúc sẽ luôn khơi gợi niềm yêu thích, cảm giác thân thuộc và sự gắn kết bền chặt - nơi mỗi thành viên như người một nhà. Hãy xây dựng trường học trở thành ‘một điểm chạm hạnh phúc’, nơi kết nối tinh hoa tri thức, văn hóa truyền thống và tầm nhìn tương lai, định hướng và trao quyền cho học sinh để sẵn sàng hành trang trở thành những công dân toàn cầu."

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc - Ảnh 1.

Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo bà Thái Hương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, giáo dục Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ nhưng vẫn luôn kiên định mục tiêu duy nhất: tất cả vì học sinh thân yêu. Tuy nhiên, sự nghiệp "trồng người" không thể thành công trong ngày một, ngày hai mà rất cần sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và của ngành giáo dục nói riêng - hiện thực hoá quyết tâm vun dưỡng những thế hệ vàng tương lai, đóng góp cho sự phát triển bền vững của cả một quốc gia, một dân tộc.

Bà Thái Hương nhấn mạnh vai trò của người giáo viên trong việc tạo ra những tiết học hạnh phúc trong ngôi trường hạnh phúc, là nhân tố để đổi mới giáo dục. Bà coi đào tạo giáo viên là ưu tiên số 1 để đổi mới giáo dục. Đó là lý do bà sáng lập Viện EDI trước khi xây dựng hệ thống trường TH School - một hình mẫu trường học hạnh phúc - để đào tạo giáo viên cho hệ thống trường TH School và đào tạo nhiều giáo viên ngoài TH School nhằm lan tỏa hạnh phúc trong giáo dục.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực với chủ đề "Hạnh phúc trong giáo dục".

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về 10 yếu tố tạo nên hạnh phúc trong giáo dục.


"Cách đặt vấn đề này rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc, dẫu cho trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục," Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng cho rằng chủ đề hội thảo hết sức có ý nghĩa khi nền giáo dục của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ. Trọng tâm của sự thay đổi đó nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người có liên quan.

"Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo triển khai trong toàn nghành với những mức độ và phương cách khái nhau ở các bậc học và các đối tượng," Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Khẳng định chỉ có những người hạnh phúc mới có thể kiến tạo hạnh phúc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lấy dẫn chứng từ ngôi trường hạnh phúc TH School, người sáng lập là bà Thái Hương, một người luôn quan tâm tới việc xây dựng trường học hạnh phúc. "Thực tế theo dõi chúng tôi thấy bà Thái Hương đã làm được rất nhiều việc cho nội dung này. Muốn thực hiện được điều đó, trước hết bà phải là người hạnh phúc và con đường mà bà theo đuổi phải là con đường tạo ra những giá trị gia tăng cho hạnh phúc. Chúc bà luôn là người hạnh phúc, và càng làm giáo dục bà càng hạnh phúc," Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc - Ảnh 3.

"Ngôi trường hạnh phúc" TH School

Mang đến góc nhìn sâu sắc về hạnh phúc trong giáo dục

Đánh giá cao những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ông Stephen West, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực cho hay trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng, học sinh ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường đạt tới thành công trong học tập.

Những thách thức này có thể bao gồm áp lực học tập ngày càng tăng, căng thẳng từ các kỳ thi chuẩn hóa, và sự phức tạp trong việc cân bằng giữa học tập và cuộc sống cá nhân.

"Tại Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực, chúng tôi tin rằng hạnh phúc và sự an lành của học sinh là điều tối quan trọng. Khi học sinh phát triển về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất, các em cũng sẽ đạt được những phát triển vượt bậc về trí tuệ. Hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục sẽ trang bị cho giáo viên, các nhà giáo dục và các vị phụ huynh những kiến thức và kỹ năng để nuôi dưỡng sự an lành của học sinh, với những góc nhìn sâu sắc từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục," ông Stephen West nói.

Tại hội thảo, các diễn giả quốc tế đã có các bài giảng cung cấp góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp hạnh phúc và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục; chia sẻ những kinh nghiệm về giáo dục toàn diện và học tập cá nhân hóa; đặt mục đích và hạnh phúc là trọng tâm trong giáo dục.

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc - Ảnh 4.

Teacher Tom, diễn giả tại sự kiện

Các buổi thuyết trình đã khám phá một hoặc nhiều khía cạnh của hạnh phúc dựa trên mô hình SPIRE, mang đến một phương pháp tiếp cận toàn diện, gồm năm khía cạnh để thúc đẩy việc học tập suốt đời và xây dựng một cuộc sống an lành hơn, dựa trên những nghiên cứu mới nhất về hạnh phúc.

Khung mô hình hạnh phúc SPIRE của Tiến sỹ Tal Ben Shahar cung cấp cách tiếp cận hạnh phúc toàn diện từ năm khía cạnh.

Thứ nhất là sức khỏe tinh thần (spiritual well-being), định hướng học sinh xác định các giá trị và mục tiêu cá nhân nhằm tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống.

Thứ hai là sức khỏe thể chất (physical well-being), khuyến khích chăm sóc sức khỏe thể chất của học sinh, nhằm nâng cao năng lượng và sự tập trung trong học tập.

Thứ ba là sức khỏe trí tuệ (intellectual well-being), đẩy mạnh sáng tạo và tư duy phản biện, giúp học sinh phát triển và thách thức bản thân trong môi trường học đường.

Thứ tư là sức khỏe mối quan hệ (relational well-being), xây dựng các mối quan hệ tích cực giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh, cũng như các mối quan hệ lành mạnh với chính bản thân.

Thứ năm là sức khỏe cảm xúc (emotional well-being), tăng cường khả năng phục hồi trước những cảm xúc tiêu cực, phát triển tinh thần vững vàng.

Các khía cạnh của mô hình SPIRE được lý giải qua các hội thảo chuyên đề. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn, các diễn giả đã giúp người tham dự hiểu một cách toàn diện về mô hình Hạnh phúc cũng như đúc rút được những bài học để áp dụng trong cuộc sống và giáo dục trẻ em. Đặc biệt, lãnh đạo của trường TH School - một ngôi trường đang áp dụng hiệu quả mô hình SPIRE, cũng chia sẻ góc nhìn thực tế về triển khai các khía cạnh của mô hình giáo dục hạnh phúc này.

Hội thảo quốc tế Hạnh phúc trong Giáo dục: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc - Ảnh 5.

Phiên hội thảo dành cho phụ huynh diễn ra chiều 23/11 tập trung khai thác vai trò "giáo viên" của cha mẹ trong việc định hướng, hỗ trợ con em phát triển một cách tích cực, và trọng tâm vẫn là những "tiết học hạnh phúc" tại nhà. Tại đây, các diễn giả chia sẻ những kỹ năng và phương pháp giao tiếp hiệu quả giữa cha mẹ và con cái, hướng đến việc kích thích sự sáng tạo, niềm đam mê học hỏi ở trẻ; những kỹ thuật nuôi dạy tích cực, ngôn ngữ động viên cùng các chiến lược chăm sóc tâm - thể - trí sẽ giúp phụ huynh xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của con em trong môi trường hiện đại.

Các hội thảo chuyên đề dành cho Giáo viên và Nhà quản lý giáo dục trong ngày 24/11 chia sẻ các phương pháp giáo dục sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, lấy giáo viên làm trung tâm và khuyến khích các giải pháp để giáo viên có thể sáng tạo và làm chủ một tiết học hạnh phúc, tạo niềm hứng khởi học tập cho học sinh trên mọi phương diện. Các chuyên gia giới thiệu các công cụ theo dõi sự phát triển và hạnh phúc của học sinh, đồng thời khuyến khích tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề và mở rộng tầm nhìn toàn cầu.

Ông Stephen West cho hay thông qua Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024, EDI mong muốn lan tỏa các giá trị tích cực, hỗ trợ đào tạo giáo viên để góp phần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh và tạo động lực phát triển không chỉ về mặt học thuật mà còn về thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội cho học sinh, xây dựng môi trường học tập hạnh phúc. 

Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) được sáng lập bởi Anh hùng Lao động Thái Hương, sở hữu đội ngũ nhân lực là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và quốc tế, là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và triển khai các giải pháp giáo dục đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.

Trong 10 năm qua, EDI kết hợp mô hình giáo dục đổi mới với văn hóa Việt và tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ tri thức xuất sắc. Với triết lý đặt con người làm trung tâm, EDI đã miệt mài nghiên cứu, đồng hành cùng TH School để tạo ra những thế hệ giáo viên - những "người mẹ thứ 2" - cùng xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, giúp học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần đồng thời, tạo động lực để học sinh phát huy sự sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng với thời đại toàn cầu hóa.

EDI đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nguồn nhân lực – đặc biệt là nhân lực trong ngành giáo dục – bằng những chương trình đào tạo, hội thảo và hội nghị chuyên ngành chuyên sâu, chia sẻ kiến thức và cập nhật các xu hướng giáo dục tiên tiến. Trong đó EDI tập trung vào lĩnh vực đào tạo giáo viên. EDI cam kết sát cánh cùng các trường học và giáo viên trên toàn quốc trong việc phát triển những chương trình giảng dạy sáng tạo và hiệu quả, kiến tạo những "tiết học hạnh phúc".



Mai Phạm

Tin Cùng Chuyên Mục
Thăm lại cây cầu làm đổi đời cho bản làng nghèo bên suối Tình yêu

Thăm lại cây cầu làm đổi đời cho bản làng nghèo bên suối Tình yêu

(Tổ Quốc) - Cầu giúp trẻ đi học, kể cả khi lũ về. Cầu đưa người già đến viện kịp thời. Có cầu, bà con bán trâu bò lợn gà, cây keo, cây mỡ… được giá cao hơn; mua vật liệu xây nhà, phân bón giá lại rẻ hơn vì đỡ phí vận chuyển. Cây cầu mang tên Vì Tầm Vóc Việt thực sự đã giúp bà con dân bản đổi đời…
Tin mới