HSBC dự báo Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm mỗi quý từ nay đến quý 3 năm sau, cuối 2023 lãi suất điều hành có thể lên 6,5%

(Tổ Quốc) - HSBC dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát sẽ có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm. Theo đó, SBV có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản ngay từ quý 3 năm nay và tăng 50 điểm mỗi quý cho đến quý 3/2023.

Theo HSBC, hiện tại áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực, đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng. Lạm phát toàn phần tháng vừa qua tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái, vượt khỏi dự báo của HSBC và thị trường. Giá xăng đầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng, đạt mức cao kỷ lục, đóng góp vào sự tăng lên của lạm phát.

Trong khi giá năng lượng cao đã là điều được dự đoán từ trước, bất ngờ lớn nhất là lạm phát lương thực, tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang đối với lạm phát lương thực. Hơn nữa, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.

Do giá dầu thế giới tăng, các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Bộ phận phân tích HSBC dự báo rằng lạm phát năm 2022 sẽ ở mức trung bình 3.5%, thấp hơn mức trần 4% do Ngân hàng Nhà nước (SBV) đặt ra, áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dựa vào các dự báo, lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi SBV cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Theo dự báo của tổ chức này, SBV có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý 3/2022, và tăng thêm 50 điểm mỗi quý cho đến quý 3/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.

HSBC dự báo Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm mỗi quý từ nay đến quý 3 năm sau, cuối 2023 lãi suất điều hành có thể lên 6,5% - Ảnh 1.

Dự báo về tăng trưởng nền kinh tế, các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam có vài điểm sáng để có thể tự vệ với những rủi ro bên ngoài. Việc mở cửa hồi phục nền kinh tế sau dịch đã giúp Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực ở các lĩnh vực như du lịch, bán lẻ tiêu dùng, xuất nhập khẩu… Đặc biệt, nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn ổn định, tạo điểm tựa cho cán cân cơ bản.

Tăng trưởng GDP quý 2/2022 chạm mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường (HSBC: 5,8%, Các tổ chức nghiên cứu: 5,9%). Đây cũng là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2011, nhờ vào phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên diện rộng ở các lĩnh vực.

HSBC dự báo Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm mỗi quý từ nay đến quý 3 năm sau, cuối 2023 lãi suất điều hành có thể lên 6,5% - Ảnh 2.

Mặc dù Việt Nam được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế, và nhu cầu trong nước đang quay trở lại, nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải thận trọng với những rủi ro tăng cao đối với sự tăng trưởng, nhất là rủi ro từ giá năng lượng leo thang. HBSC dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 lên 6,9%, nhưng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức 6,3%.

Thảo Linh

Tin mới