IFC muốn Việt Nam từ Top 10 lên Top 5 nước nhận hỗ trợ nhiều nhất từ IFC

(Tổ Quốc) - Những kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và phát triển thị trường vốn ở các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam sẽ là ưu tiên hỗ trợ của IFC dành cho Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 15/4/2021, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh có buổi tiếp và làm việc với Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Mùa xuân IMF/WB năm 2021.

Tham dự buổi làm việc, về phía Ngân hàng Nhà nước có đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Công ty Quản lý Tài sản các TCTD Việt Nam và Văn phòng Ngân hàng Nhà nước.

Về phía IFC, có Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Ông Philippe Ahoua, Giám đốc Tài chính IFC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc đánh giá cao sự hỗ trợ của IFC dành cho Việt Nam và ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua. IFC đã và đang là một nhà đầu tư lớn, một người bạn đồng hành, và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của toàn hệ thống ngân hàng. Hỗ trợ từ IFC cũng như từ các tổ chức tài chính quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Phó Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng quan hệ hợp với Ngân hàng Thế giới nói chung và IFC nói riêng. IFC luôn giữ vững vai trò là tổ chức tài chính đa phương đi đầu trong hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân của các nước hội viên. Khu vực kinh tế tư nhân đang được xem là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia và ngày càng nhận được sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ; chủ trương phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Để đạt được mục tiêu trên, rất mong có thêm các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế trong đó có IFC.

Về phía IFC, Ông Alfonso cho biết thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) này sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. IFC luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam hiện đang nằm trong Top 10 quốc gia nhận hỗ trợ nhiều nhất từ phía IFC. Tuy nhiên, Ông Alfonso mong muốn đẩy mạnh vị thế của Việt Nam trở thành Top 5 các quốc gia nhận hỗ trợ từ phía IFC.

Phó Thống đốc cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình tổng kết và đánh giá việc thực hiện của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và các văn bản pháp lý liên quan. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước mong muốn IFC sẽ chia sẻ cho Việt Nam các kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và phát triển thị trường vốn ở các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam.

Phó Chủ tịch IFC hoan nghênh đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và coi đây như là một trọng tâm ưu tiên hỗ trợ của IFC dành cho Việt Nam trong thời gian tới đây; đồng thời Ông cho biết, căn cứ tình hình kiểm soát Dịch bệnh covid-19, sẽ thu xếp thời gian sớm nhất được sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

H. K

Tin mới