Theo HSBC, số hóa mang đến cơ hội mới cho các nước đang phát triển tham gia vào thương mại quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mặc dù sẽ có những thách thức về mặt pháp lý.
Thương mại số có ý nghĩa quan trọng không chỉ nhằm tăng cường và đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu của Việt Nam, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Chúng tôi xin cung cấp thêm góc nhìn của một chuyên gia lĩnh vực tài chính, ông Surajit Rakshit, Giám đốc toàn quốc Khối tài trợ chuỗi cung ứng và các khoản phải thu HSBC Việt Nam, để quý độc giả cùng theo dõi.
Số hóa – đòn bẩy quan trọng cho thương mại
Số hóa mang đến cơ hội mới cho các nước đang phát triển tham gia vào thương mại quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, giúp họ vượt qua những bất lợi về chi phí thương mại hiện nay và đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Việc đảm bảo rằng lợi ích của số hóa trong thương mại được hiện thực hóa và chia sẻ rộng rãi hơn đòi hỏi phải có môi trường pháp lý cho phép chính phủ ở các nước đang phát triển ứng phó với những thách thức mới do số hóa đặt ra.
Lấy ví dụ một doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam thực hiện tự động hóa quy trình thông qua nền tảng HSBCnet, cho phép tất cả các hoạt động liên quan đến tài trợ thương mại của họ đều được xử lý qua đây. Điều này mang lại cho họ một trải nghiệm liền mạch trên cơ sở sử dụng một nền tảng duy nhất cho mọi nhu cầu. Hoặc một công ty thức ăn chăn nuôi quốc tế có hoạt động ở Việt Nam đang sử dụng giải pháp số hóa quy trình thanh toán để tích hợp với hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) của họ. Hệ sinh thái các nhà cung ứng của doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận vốn lưu động thông qua giải pháp tài trợ nhà cung ứng hoàn toàn tự động, nghĩa là doanh nghiệp có một bức tranh đầy đủ thông tin về dòng tiền và nhu cầu vốn lưu động hàng ngày.
Tài trợ thương mại là một lĩnh vực rộng lớn với tổng khối lượng tín dụng thương mại trong nước và quốc tế hàng năm vào khoảng 35 nghìn tỷ đô la Mỹ. Ngày nay, phần lớn thị trường tài trợ thương mại trên thế giới vẫn phụ thuộc vào thủ tục giấy tờ, khiến xảy ra nhiều tình huống thông tin không trùng khớp giữa các đối tác, làm tăng chi phí và rủi ro. Đây là những rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ đang cố gắng tăng thị phần của mình. Do đó, số hóa tài trợ thương mại đồng nghĩa với việc tiếp cận tài chính tốt hơn.
Thế giới thay đổi nhưng thương mại vẫn phụ thuộc vào giấy tờ
Như đã nhấn mạnh, thương mại vẫn phụ thuộc rất nhiều vào giấy tờ và điều đó dường như không thay đổi trong nhiều thế kỷ. Người ta ước tính rằng mỗi ngày, có trung bình 28,5 tỷ tài liệu thương mại được in và lưu chuyển trên khắp thế giới. Đó là một con số đáng kinh ngạc. Những người làm trong lĩnh vực thương mại đã trải qua những trường hợp hàng hóa đến nơi trước cả giấy tờ liên quan. Ví dụ, trong khi thời gian trung chuyển hàng hóa giữa Singapore và Việt Nam có thể mất 5 ngày, thì giấy tờ pháp lý, bằng chứng về quyền sở hữu những hàng hóa đó, dùng khi cần tài trợ hoặc giảm thiểu rủi ro, lại có thể mất 10 ngày mới tới nơi. Có nhiều cách giải quyết để giải phóng hàng hóa nhưng chỉ là giải pháp tạm thời, rườm rà và tốn chi phí. Nếu không có cách giải quyết thì hàng hóa sẽ nằm yên đó chờ đến khi giấy tờ đến.
Cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam
Để duy trì tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam như những thập kỷ qua, nghiên cứu đã chỉ ra rằng Việt Nam cần chuyển đổi sang quỹ đạo tăng trưởng dựa trên năng suất. Việc áp dụng các công nghệ số sẽ là động lực quan trọng mang lại những lợi ích về năng suất. Một phần nhờ vào sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và tỷ lệ truy cập Internet, Việt Nam có vị thế tốt để khai thác những công nghệ này nhằm duy trì đà tăng trưởng. Thương mại số sẽ đóng vai trò rất quan trọng nhằm đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại và là một trong 30 nước xuất khẩu ròng hàng đầu thế giới, nằm trong top 5 thị trường hàng đầu về xuất nhập khẩu so với GDP. Mặc dù thương mại từng bị chi phối bởi hàng hóa hữu hình, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại hàng hóa toàn cầu đã chững lại trong khi lưu lượng dữ liệu toàn cầu tăng mạnh, với lượng băng thông xuyên biên giới đã tăng 45 lần kể từ năm 2005. Con số này dự kiến sẽ tăng thêm 9 lần trong 5 năm tới, do lưu lượng thông tin, tìm kiếm, liên lạc, video và giao dịch tiếp tục tăng.
Thương mại số có ý nghĩa quan trọng không chỉ nhằm tăng cường và đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu của Việt Nam, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Thương mại số có thể tạo ra tác động tích cực to lớn cho nền kinh tế nội địa Việt Nam, với một số ngành được hưởng lợi lớn nhất bên cạnh lĩnh vực kỹ thuật số. Thương mại số giúp các doanh nghiệp Việt Nam đạt được hiệu quả chi phí (từ việc lưu trữ dữ liệu), thâm nhập các thị trường mới và đưa ra những phân tích hiệu quả từ dữ liệu. Thương mại số cũng hỗ trợ sự hợp tác (đặc biệt ở những lĩnh vực Việt Nam có thể còn thiếu hụt kỹ năng), cho phép áp dụng các phương thức kinh doanh hiệu quả hơn (chẳng hạn như cho phép người dùng truy cập theo thời gian thực vào tài khoản ngân hàng của họ ngay cả khi ở nước ngoài) và hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu (theo dõi các container xuất khẩu).
Từ khu vực nhà nước – Kế hoạch Chuyển đổi số của Việt Nam
Việt Nam gần đây đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sáng kiến này sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua những thay đổi về nhận thức, chiến lược doanh nghiệp và các chính sách khuyến khích hướng tới số hóa doanh nghiệp, hoạt động quản trị và sản xuất. Chương trình sẽ hướng tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh muốn áp dụng chuyển đổi số để nâng cao sản xuất, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Quốc gia Đông Nam Á này hy vọng sẽ trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách tập trung vào nền kinh tế số. Những năm gần đây, chính phủ đã công bố một số biện pháp hỗ trợ cho các công ty công nghệ khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Theo một báo cáo gần đây của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, tài chính công nghệ, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và giải pháp thanh toán là những lĩnh vực có nhu cầu gọi vốn cao nhất. Các công ty khởi nghiệp mảng công nghệ của Việt Nam đang gặt hái những lợi ích khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia số hóa hoàn toàn vào năm 2030. Theo Ngân hàng Thế giới, "Nếu các lĩnh vực số mở rộng khoảng 10% mỗi năm, lợi nhuận tiền tệ tích lũy cho nền kinh tế sẽ vượt mức 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2045."
Đến khu vực tư nhân – cung cấp các giải pháp số sáng tạo
Là một ngân hàng quốc tế và là ngân hàng tài trợ thương mại hàng đầu, hỗ trợ Việt Nam chính là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi. HSBC cùng với Ngân hàng Vietcombank đã thực hiện thí điểm giao dịch Tín dụng thư nội địa trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2020. Bằng cách sử dụng nền tảng Contour, nền tảng cho phép số hóa toàn diện hoạt động tài trợ thương mại, một giao dịch thường mất từ 3 đến 5 ngày làm việc đã được hoàn thành trong 27 phút.
Giao dịch này đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa minh chứng cho năng lực thương mại của Việt Nam trong thời đại Công nghiệp 4.0. Ngoài việc hoàn thành giao dịch dựa trên nền tảng chuỗi khối quốc tế đầu tiên giữa hai doanh nghiệp tại Việt Nam và Hàn Quốc vào năm 2019, HSBC Việt Nam đã có thể hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp của mình thực hiện các giao dịch Tín dụng thư trong nước nhanh hơn và an toàn hơn trên nền tảng Blockchain của Contour. Điều này càng mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để Việt Nam trở thành một trung tâm thương mại năng động ở châu Á.
Tương lai của số hóa thương mại
Tăng cường áp dụng công nghệ kỹ thuật số đã đưa tới lợi ích giảm chi phí chưa từng có khi tham gia thương mại quốc tế, thay đổi cả cách thức và mặt hàng được giao dịch, đồng thời góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh. Điều này cũng giúp mở ra những cơ hội mới cho thương mại, trong bối cảnh giải quyết một số hậu quả của đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Số hóa cũng có thể giúp các quốc gia thu được lợi ích lớn hơn từ các hiệp định thương mại khu vực của họ. Khi kết hợp cùng với hiệp định thương mại khu vực, kết nối kỹ thuật số tăng 10% sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 2,3%.
Thương mại số mang lại cơ hội mới cho các cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, các chính phủ đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý ngày càng tăng nhằm đảm bảo rằng những cơ hội này có thể được hiện thực hóa và chia sẻ một cách toàn diện hơn. Việc kết hợp chính sách đúng đắn đòi hỏi các bên liên quan khác nhau cần đối thoại nhiều hơn để tạo ra các cách tiếp cận toàn diện hơn, cho phép tất cả các bên đều nhận được lợi ích từ quá trình chuyển đổi số thương mại.