(Tổ Quốc) - Theo ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Chủ doanh nghiệp Việt Thắng Jeans, khoảng 20% đến 30% doanh nghiệp dệt may tại TPHCM trong tổng số 600 doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, chỉ 50% trong số này có khả năng sống sót, đa số đều là những doanh nghiệp lớn, có tích lũy theo thời gian.
Trí Thức Trẻ đã liên hệ với ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, sau khi nhiều nguồn thông tin về công ty giày da Huê Phong tại Gò Vấp (TPHCM) đóng cửa, ông Việt cho biết sắp tới đây tại TPHCM sẽ có nhiều doanh nghiệp dệt may phải phá sản vì khó khăn do Covid-19 gây ra.
Cụ thể ông Việt đưa ra con số rằng ở TPHCM, có khoảng 600 doanh nghiệp dệt may. 50% trong số này có khả năng sống sót, đa số đều là những doanh nghiệp lớn, có tích lũy theo thời gian. Có đến khoảng 20% đến 30% doanh nghiệp dệt may ở đây đang đứng trước nguy cơ phá sản vì Covid-19. Ngành dệt may tập hợp nhiều công nhân, đùm bọc, chia sẻ với nhau nên sống đến khi nào không thể nữa thì phải dừng. Số còn lại đang cố sống "vật vờ" qua ngày tháng.
Ông Việt phân tích, dệt may có 2 giá trị cốt lõi. Thứ nhất là công nhân. Thứ hai là thị trường. Ngành dệt may đang đối mặt với khó khăn rất lớn về thị trường. Vì hiện ở Mỹ, châu Âu đóng băng do dịch bệnh bùng phát, chưa khống chế được. Và điều này ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra. Bên cạnh đó, ở những nước dịch bệnh đã ổn hơn thì nhu cầu tiêu dùng cũng thay đổi. Người tiêu dùng sẽ tập trung vào đồ dùng thiết yếu trước, sau đó mới đến thời trang trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Ngay cả những doanh nghiệp nằm trong con số 50%, trong thời gian qua sản xuất khẩu trang để cầm cự nhưng nếu khẩu trang không còn tiêu thụ được nữa thì khó khăn cũng chồng chất dù trong thời gian qua chính phủ cũng hỗ trợ cho ngành.
Bản thân ông Việt cũng là chủ doanh nghiệp Việt Thắng Jeans. Ông cho biết Việt Thắng cũng đang cầm cự. Với mức chi khoảng hơn 30 tỉ đồng/tháng cho công nhân, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn khi doanh thu giảm đến 80%.
Trước đó, tại hội thảo Giải bài toán nhân sự trong và hậu dịch, ông Phạm Văn Việt đã chia sẻ về những trở ngại đối doanh nghiệp dệt may. Ông Phạm Văn Việt cho biết cho biết ngành dệt may sử dụng lượng lao động lớn, do đó khi dịch bệnh xảy ra ngành bị ảnh hưởng khá năng nề. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành rất bất ngờ với những tác động tiêu cực của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, nhân sự.
Khi dịch bệnh diễn ra ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang lấy nguyên liệu ở nơi khác. Tuy nhiên, sau đó thì các điểm dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ khiến đầu ra bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng 3 vừa qua, châu Âu có thông báo ngưng nhập hàng trong 1 tháng, Mỹ cũng ngưng hàng trong 3 tuần.
Khi các khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng nhận hàng thì đồng nghĩa 60-70% đơn hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khi đó, doanh nghiệp trông chờ vào các thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Nhật vẫn đang còn nhiều căng thẳng. Hàn Quốc tình hình dịch bệnh đang kiểm soát tốt hơn nhưng nhìn chung, sức mua đã giảm rất nhiều.
Trong tình hình khó khăn chung, ông Việt cho rằng Việt Nam đã khống chế dịch Covid-19 rất tốt và ông hy vọng thời gian tới, tình hình thế giới ổn hơn để bức tranh chung cho ngành dệt may tươi sáng hơn.
Thế Trần