(Tổ Quốc) - Gợi ý: có thể chính bạn cũng là người giúp họ kiếm được số tiền đó.
Nếu như livestream nói chung đang là đế chế tỷ USD thì Game Streaming nói riêng đang là món ăn tinh thần của phần rất lớn giới trẻ toàn cầu, và giới trẻ Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bối cảnh đó tạo ra cho không ít những người trẻ cơ hội kiếm bộn tiền từ những việc trước đây từng tưởng chừng không thể: chơi game và nói về việc chơi game.
Trong đó các Gaming Creators (nhà sáng tạo nội dung game) trực tiếp chơi và bình luận, tương tác với khán giả thông qua một nền tảng phát sóng thứ ba. Ngược lại khán giả tương tác và tạo ra lượt xem (view) cũng như để lại bình luận, ủng hộ bằng quyên góp (donate) từ đó giúp kênh stream có mức độ tăng trưởng tốt hơn.
Theo Emagazine “Tổng quan Creator Việt Nam” do Appota phát hành: Trải qua đại dịch, eSports đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến. Có đến 80% cộng đồng nhận thấy rằng họ đã dành nhiều gian hơn để xem các nhà sáng tạo nội dung trong khi dịch bùng phát. Trung bình khán giả dành 3 giờ/ngày chơi và xem các trò chơi eSports, đứng thứ hai chỉ sau thể thao truyền thống (3,4 giờ). 45% khán giả eSports là những fan hâm mộ cuồng nhiệt, tương đương khoảng 9,1 triệu người. Họ tiếp xúc và coi eSports là một hình thức giải trí hàng ngày. Nhóm tuổi chiếm phần lớn là nhóm 18-22 tuổi (40,8%), theo sau đó là nhóm 13-17 tuổi (35%).
Cũng theo khảo sát của Appota, có tới 43% nhà sáng tạo nội dung đồng ý rằng kênh của họ có lượt tương tác cao trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên mức tăng này có thể chỉ là do tình trạng chung của dịch bệnh khi khán giả có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi.
Các nhà sáng tạo nội dung này được cho là có nguồn thu nhập “khủng” mỗi tháng. Điều đó có thật không?
Theo báo cáo, các nhà sáng tạo nội dung khi livestream trên các nền tảng ngoài việc nhận được lương stream cố định, có thể nhận được phần doanh thu chia sẻ từ các quảng cáo ad-break chạy trên livestream.
Mô hình hoạt động của các Creator trên nền tảng livestream
Có đến 40% nhà sáng tạo trả lời rằng họ đã nhận được doanh thu cộng hưởng từ công việc và danh tiếng từ việc làm nhà sáng tạo. Nguồn doanh thu đó có thể đến từ các hợp đồng quảng cáo, tham gia sự kiện hoặc nguồn thu từ các nhà tài trợ.
Các nền tảng được các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam ưa chuộng nhất hiện nay được chia làm 2 mảng, stream gaming với các ứng dụng nổi bật như: Facebook Gaming; Youtube Gaming; Nimo TV; Booyah…, non-gaming với các ứng dụng như: Facebook; Instagram; Tiktok…
Tại Việt Nam, hầu hết các nền tảng đều không thu phí người dùng mà thay vào đó nguồn doanh thu chủ yếu đến từ việc chèn quảng cáo. Tỉ lệ chứa quảng cáo của các ứng dụng tại Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trên toàn cầu là 59% so với 38%. Do thói quen của người dùng Việt Nam thích sử dụng miễn phí và chấp nhận quảng cáo khiến đây tiếp tục trở thành phương thức thương mại hóa phổ biến tại Việt Nam.
Một số nguồn thu quảng cáo bao gồm: bài đăng mạng xã hội, quảng cáo banner in-stream, livestream trải nghiệm sản phẩm, VOD (Video theo yêu cầu - Video on demand) quảng cáo… Điều này cũng thể hiện sự hiệu quả cũng như thể hiện xu thế quảng cáo thông qua các nhà sáng tạo nội dung game đang cho thấy hiệu quả cao và được các nhãn hàng ưa thích sử dụng.
Nhìn vào lượng người theo dõi trên lên đến hàng trăm, hàng triệu của các nhà sáng tạo nội dung này trên mạng xã hội, không thể phủ nhận rằng công việc này đang ngày càng có sức hút lớn đối với giới trẻ Việt Nam.
Báo cáo của Appota đã khảo sát thu nhập từ việc quảng cáo của các nhà sáng tạo nội dung. Kết quả cho thấy, họ thậm chí có thể kiếm được hàng nghìn USD mỗi lần thực hiện các hoạt động kể trên. Và với tần suất xuất hiện lớn thì việc có thể kiếm được triệu USD trong một vài năm là hoàn toàn khả thi.
Nguồn thu khác có thể kể đến như: Tham dự giải đấu Esport; Merchandise - kinh doanh và đến từ quyên góp của người hâm mộ. Ngoài việc chú tâm vào nội dung phát trực tuyến, việc xây dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành cũng vô cùng quan trọng.
Thông qua việc tương tác và thực hiện các nội dung theo mong muốn của người xem, các streamer cũng nhận được sự ủng hộ dưới hình thức quyên góp từ khán giả như một nguồn thu nhập biến động. Người xem có thể ủng qua nhiều hình thức đa dạng. Ví dụ như nền tảng Facebook Gaming có chức năng ủng hộ các nhà sáng tạo nội dung bằng cách mua "sao" để tặng, hoặc người hâm mộ có thể ủng hộ qua các cổng thứ ba.
Thái Quỳnh