(Tổ Quốc) - Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 143 quốc gia, vùng lãnh thổ rót vốn đầu tư.
Ngày 29/12/1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Vào năm 1988, tờ giấy phép cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên chính thức được Bộ Kinh tế Đối ngoại cấp cho một liên doanh giữa Công ty Hochimex của Hồng Kông (Trung Quốc) và Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nền kinh tế đầu tiên rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 3 năm 1988-1990, mới thực thi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nên kết quả thu hút vốn ĐTNN còn ít (214 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới 1,6 tỷ USD), nhà đầu tư nước ngoài chưa tác động đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong thời kỳ 1991-1995, vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên (1.409 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới 18,3 tỷ USD) và có tác động tích cực đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Thời kỳ 1991-1996 được xem là thời kỳ "bùng nổ" ĐTNN tại Việt Nam (có thể coi như là "làn sóng ĐTNN" đầu tiên vào Việt Nam) với 1.781 dự án được cấp phép có tổng vốn đăng ký (gồm cả vốn cấp mới và tăng vốn) 28,3 tỷ USD.
Đây là giai đoạn mà môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam đã bắt đầu hấp dẫn nhà đầu tư do chi phí đầu tư - kinh doanh thấp so với một số nước trong khu vực; sẵn lực lượng lao động với giá nhân công rẻ, thị trường mới. Vì vậy, đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhanh chóng, có tác động lan tỏa tới các thành phần kinh tế khác và đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tính lũy kế đến ngày 20/06/2023, cả nước có 37.541 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 449,48 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 284 tỷ USD, bằng 63,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài, đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 268,35 tỷ USD (chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,1 tỷ USD (chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,4 tỷ USD (chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư).
Trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư, điển hình như Intel, Microsoft, Foxconn, Samsung, Sony, Toshiba... Những dự án đầu tư đến từ các tập đoàn quốc gia lớn này đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ cho lĩnh vực chế biến chế tạo của Việt Nam. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đối tác đầu tư, hiện có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 82 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 73,4 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc).
Theo địa bàn, nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 56,8 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40 tỷ USD (chiếm hơn 8,9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 39,3 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư).
Xét riêng Hồng Kông (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) hiện đứng ở vị trí thứ 5 với lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng hơn 29 tỷ USD với 2.183 dự án. Các nhà đầu tư Hồng Kông đã đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.
Đa phần các dự án của Hồng Kông tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất điện, hoạt động kinh doanh bất động sản. Hồng Kông (Trung Quốc) hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Các địa phương được nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư nhiều là TP. HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Hà Nôi, Hải Dương…
Minh Tiến