Không phải lĩnh vực "hoành tráng" như ô tô hay điện tử, đây mới là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu

(Tổ Quốc) - "Doanh nghiệp Việt Nam thích làm linh kiện cho ô tô lắm, vì họ là kỹ sư cơ khí, thích làm những thứ hoành tráng nhất" - bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nói.

Trình bày về tiến trình hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu tại Hội thảo Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19 do Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam kết hợp với EuroCham và VCCI tổ chức, TS. Trương Thị Chí Bình, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Công thương nhận định: Công nghiệp hỗ trợ là một trong những khu vực khó khăn nhất khi muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Bình chia sẻ, theo khảo sát thường niên của VASI với khoảng 250 doanh nghiệp đối tác đã làm tương đối tốt và tham dự được vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam, lĩnh vực mà họ tham gia nhiều nhất là lĩnh vực cơ khí, chiếm tới 70%, tương đương với hơn 150 doanh nghiệp. Lĩnh vực điện tử chỉ chiếm khoảng 20 doanh nghiệp trong số này, chưa đến 10%, nhựa và cao su thì nhiều doanh nghiệp hơn so với điện tử, và còn lại là những lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở quanh khu vực Hà Nội, TP.HCM. 

"Xét về năm thành lập, doanh nghiệp của chúng ta còn non trẻ, là những người đi sau trong cuộc chơi công nghiệp chế tạo toàn cầu. Ngành này ở Việt Nam đặc biệt non trẻ so với công nghiệp hỗ trợ thế giới và đặc biệt là châu Âu" - bà Bình nói.

Không phải lĩnh vực hoành tráng như ô tô hay điện tử, đây mới là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Chí Bình

Về doanh số, Phó chủ tịch VASI cho biết, doanh số trung bình của các doanh nghiệp này khoảng dưới 3 triệu USD/năm. Đây là con số đã tiến bộ rất nhiều so với cách đây 5 năm VASI bắt đầu dự án hỗ trợ và hàng năm có thay đổi. Theo các chuyên gia, khi hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện phụ tùng, thường các doanh nghiệp phải có doanh thu tối thiểu 5 triệu USD mới có cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu, dưới ngưỡng này thì khó có thể tham dự vào chuỗi cung ứng châu Âu cũng như toàn cầu. 

Chỉ có một số ít doanh nghiệp có doanh thu trên 5 triệu USD đến 10 triệu USD, chiếm chưa tới 30%. Về quy mô, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90% trong lĩnh vực này. Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu linh kiện gián tiếp cho Hàn Quốc và Nhật Bản hơn vì có nhiều doanh nghiệp đầu chuỗi ở các quốc gia này đầu tư vào Việt Nam.

Về các sản phẩm chính doanh nghiệp đang làm, cơ khí, linh kiện cơ khí chính xác vẫn có cơ hội lớn nhất. Ngay cả nhựa hay những linh kiện có vẻ đơn giản hơn cũng rất ít cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Bình đưa ra hai ví dụ về ngành điện tử và ô tô ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam làm được linh kiện điện, điện tử có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn khu vực chế tạo, bao gồm linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa thì doanh nghiệp Việt Nam có gần 300 doanh nghiệp.

Không phải lĩnh vực hoành tráng như ô tô hay điện tử, đây mới là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 2.

Về sản xuất sản phẩm cuối cùng, bà Bình cho biết, trước đây có Tập đoàn VietSonic và hiện nay một số công ty của Viet Sonic vẫn đang sản xuất sản phẩm cuối cùng. Mới đây có thêm Vinfast tham dự cuộc chơi này, tuy nhiên, hầu hết linh kiện, phụ tùng vẫn nhập khẩu.

"Bởi vì nhập khẩu rẻ hơn. Với những sản phẩm như điện thoại di động, doanh nghiệp nội địa đang mới chỉ dừng ở phần linh kiện lớn nhất trong chiếc điện thoại" - Phó chủ tịch này nhận định.

Mặc dù, chuỗi cung ứng điện tử ở Việt Nam là khu vực có thị phần lớn, dung lượng thị trường lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam rất ít cơ hội tham gia. Theo khảo sát của VASI, tỷ lệ nội địa hóa theo các loại linh kiện thì đến 88% là nhập khẩu. Con số này là tương đối lớn vì rất nhiều linh kiện sản xuất ở Việt Nam là của công ty FDI, nên vẫn tính là xuất khẩu chứ không sản xuất tại nội địa. 

Theo tiến sĩ Bình, đó cũng là một điểm yếu vì chúng ta kêu gọi thu hút FDI nhưng năng lực công nghiệp hỗ trợ lại còn yếu, nên doanh nghiệp nước ngoài buộc phải "tự lo" việc đó, sản xuất trong nội bộ nhà máy của họ.

Không phải lĩnh vực hoành tráng như ô tô hay điện tử, đây mới là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 3.

Với chuỗi cung ứng ô tô, vấn đề lớn nhất là sản lượng. So sánh giữa Việt Nam và Thái Lan, lắp ráp thì doanh nghiệp Việt Nam làm nhiều hơn, nhưng sản xuất linh kiện cấp 1 thì ít hơn hẳn và linh kiện cấp 2, cấp 3 thì chưa bằng 1/10 của họ.

"Hiếm có công ty ô tô nào như Công ty Trường Hải. Họ vừa bán sản phẩm cuối cùng, vừa thu mua linh kiện từ công ty cung cấp, vừa bán linh kiện ra thị trường. Họ tham gia VASI với hai tư cách, vừa là người mua, vừa là người bán. Năng lực bán của THACO cũng rất mạnh. Họ có thể bán được cho công ty khác và cả các công ty cơ khí khác. Họ buộc phải tự làm nên giá thành rất khó để có thể cạnh tranh" - bà Bình nhận xét.

Cuối bài chia sẻ, bà Trương Thị Chí Bình kết luận: Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo vẫn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên chỉ ở khu vực cơ khí nhỏ, thiết bị điện, thiết bị cầm tay. Còn lĩnh vực lớn như ô tô, điện tử, linh kiện rời là rất khó.

H.A

Tin mới