(Tổ Quốc) - Theo Báo cáo PCI 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Đồng Tháp xếp thứ 5 cả nước và tiếp tục đứng đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (viết tắt: PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Kết quả PCI 2022, Quảng Ninh tiếp tục xác lập vững chắc ngôi vị quán quân bảng xếp hạng trong 6 năm liên tiếp với điểm số PCI đạt 73,02 điểm. Xếp vị trí thứ 2 là Bắc Giang với 72,8 điểm. Với 70,76 điểm, thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022.
Các tỉnh tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2022 là Bà Rịa - Vũng Tàu (70,26 điểm), Đồng Tháp (69,68 điểm), Thừa Thiên - Huế (69,36 điểm), Bắc Ninh (69,08 điểm), Vĩnh Phúc (68,91 điểm), Đà Nẵng (68,52 điểm) và Long An (68,45 điểm).
So với PCI 2021 (70,53 điểm), PCI 2021 của Đồng Tháp giảm 0,85 điểm (70,53 điểm) và giảm 2 hạng.
Phân tích sâu chỉ số này cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần được sử dụng làm thước đo đánh giá PCI, Đồng Tháp có 4 chỉ số thành phần đứng top 5 cả nước là: Tiếp cận đất đai (thứ hạng 1), Tính minh bạch (thứ hạng 1), Chi phí thời gian (thứ hạng 3) và Tính năng động của chính quyền tỉnh (thứ hạng 2).
Theo Báo cáo PCI 2022, kể từ năm 2007 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 15 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Đồng Tháp cũng là đại diện duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có mặt trong top 5 PCI 2022 của cả nước.
Cho đến thời điểm này, Đồng Tháp là tỉnh có thời gian nằm trong top 5 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước lâu nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh cũng duy trì thứ hạng trong top 3 trong 8 năm (từ năm 2014 - 2021).
Báo cáo của PCI 2022 cho biết, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân. Chính quyền tỉnh được đánh giá rất cao về tính năng động và tiên phong trong điều hành kinh tế.
Với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều cách làm hay thể hiện sự năng động và sáng tạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ công, ví dụ như mô hình “Ngày thứ 7 chứng thực 4.0 và trả kết quả tại nhà” hay “Giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp tại nhà”.
Tỉnh Đồng Tháp mới đây cũng đã triển khai mô hình “Không gian hành chính phục vụ”20 nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Không gian này được thiết kế theo hướng thân thiện, gần gũi với người dân, doanh nghiệp với cách thức hoạt động gợi nhớ đến mô hình “Cà phê doanh nhân” rất thành công của tỉnh.
Báo cáo PCI nhận xét, những nỗ lực này của Đồng Tháp đã được phản ánh trong kết quả PCI 2022, khi điểm chỉ số thành phần “Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương” của tỉnh đạt 7,7 điểm, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số thành phần này cùng với tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao về các nỗ lực tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Tỉnh đang vận hành tốt Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư; đồng thời hoạt động hiệu quả kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-ĐồngTháp đến tổng đài của địa phương.
Với những nỗ lực này, Đồng Tháp trở thành một trong những địa phương đạt thứ hạng cao trong một số chỉ tiêu phản ánh tính minh bạch như tiếp cận tài liệu pháp lý (xếp thứ 2/63), tiếp cận tài liệu quy hoạch (xếp thứ 7/63) hay chất lượng cổng thông tin điện tử của tỉnh (xếp thứ 7/63).
Hoàng Tùng