(Tổ Quốc) - Cách mạng công nghiệp 4.0 hay chuyển đổi số đang trở thành những thuật ngữ quen thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không song hành cùng các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng có thể khiến doanh nghiệp, thậm chí cả một nền kinh tế phải trả giá.
Thách thức với an toàn, an ninh mạng Việt Nam
Trong khuôn khổ Hội thảo, Triển lãm Quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2020, an toàn, an minh mạng trong quá trình chuyển đổi số đã trở thành chuyên đề đầu tiên được thảo luận. Ông Lương Tuấn Thành, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC, cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới nhưng lĩnh vực Công nghệ thông tin vẫn tăng trưởng, đặc biệt là an toàn, an ninh mạng.
Đại dịch Covid-19 cũng tạo ra một cú huých lớn, trở thành động lực cho an ninh mạng trong các lĩnh vực đặc thù mới như y tế, sản xuất và tài chính ngân hàng. Tỷ trọng đầu tư vào an toàn, an ninh mạng cũng đang được các doanh nghiệp gia tăng. Đi cùng với đó là xu hướng đơn giản hóa với các giải pháp tích hợp.
Tại Việt Nam, CMC áp dụng chiến lược đảm bảo an toàn, an ninh mạng 3 bước trong đó cốt lõi là thuật ngữ Zero-Trust (không tin ai cả). Chuyển đối số khiến các thiết bị IoT gia tăng nhanh chóng làm cho các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng kém hiệu quả hơn. Bài toán nguồn nhân lực cũng được doanh nghiệp chú trọng đầu tư bởi đặc thù của ngành này là cần đào tạo kết hợp với thực chiến.
"Chúng tôi chia thành 2 đội. Đội Xanh gồm những chuyên gia hàng đầu có những chứng chỉ cao nhất để thiết kế ra các hệ thống đảm bảo an toàn cho khách hàng. Trong khi đó, đội Đỏ đảm trách nhiệm vụ nghiên cứu mã độc và tấn công thử để đảm bảo chúng tôi biết cách xử lý khi sự cố xảy ra", ông Thành chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự, CMC cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tận dụng tri thức của những gã khổng lồ thế giới để hoàn thiện cho sản phẩm của mình và tránh bị tụt hậu. Sản phẩm dành cho người Việt cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Big Data, Machine Learning giải thế khó cho người Việt
Trong phần trình bày của mình, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel cảnh báo rằng các cuộc tấn công mạng trên thế giới đang diễn ra với cường độ lớn cùng những chiêu thức không thể lường trước. Thậm chí, tin tặc có thể dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả giọng nói của một người nào đó để lừa nạn nhân thỏa mãn các mục đích của mình.
Theo ông Hải, có 3 triệu cuộc tấn công ở Việt Nam trong năm 2020 chỉ riêng qua hạ tầng của Viettel. Có 36 trang web đuôi .gov.vn bị tấn công cùng với 4 chiến dịch lớn nhằm vào hàng loạt các ngân hàng của Việt Nam.
"An toàn thông tin trở thành rào cản với chuyển đổi số. Người dùng có thể không dám lên khi chưa thể đảm bảo cho chính mình, lên xong lại hủy vì bị tấn công hay gặp vấn đề. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cần phải diễn ra ở từng cấp, xem an toàn thông tin là ưu tiên hàng đầu trong việc cân nhắc và quyết định", Giám đốc công ty An ninh mạng Viettel nhấn mạnh.
Nhằm đương đầu với những thách thức do chuyển đổi số mang lại, Viettel đang triển khai Viettel Kian trong đó sử dụng Big data và Machine Learning để phát hiện các mối đe dọa. Không chỉ lọc dữ liệu để phát hiện hành vi đáng ngờ của người dùng, nó còn có thể xâu chuỗi các bước để sớm dự báo chính xác các cuộc tấn công có thể xảy ra.
Viettel cũng tận dụng công nghệ, tri thức của thế giới đồng thời cũng nhấn mạnh về việc không có vùng an toàn trên Internet trong kỷ nguyên số. Theo đó, mọi thiết bị sẽ bị kiểm tra dựa vào hành vi và danh sách khả nghi. Nếu phát hiện vấn đề, quyền truy cập của thiết bị có thể bị chặn để đảm bảo an toàn.
Chuyển biến bước ngoặt trong lĩnh vực an toàn thông tin
Ông Khổng Huy Hùng, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS), thì cho rằng sự chủ quan thường khiến con người phải trả giá đắt. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang chi rất ít cho an toàn thông tin với mức 0,04% GDP, chỉ bằng 1/3 so với trung bình thế giới. Trong khi đó, các nước đầu bảng về công nghệ thông tin cũng là những nước chi tiêu mạnh tay nhất cho an toàn, an ninh mạng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ông Hùng cho rằng Nhà nước và doanh nghiệp càng cần phải đầu tư cho an toàn, an ninh mạng. Việc Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc) lộ tới 80% dữ liệu cư dân khi triển khai số hóa là bài học nhãn tiền. Tuy nhiên, việc bảo vệ an toàn thông tin có thể sẽ không giống trong quá khứ.
Đi cùng với sự ra đời của IoT, đầu tư vào các giải pháp an toàn, an ninh mạng không còn là xu hướng của thế giới mà thay vào đó là các dịch vụ. Sự ra đời của các công ty làm dịch vụ sẽ giúp tận dụng mọi nguồn lực đồng thời mang đến những hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối ưu nhất trong lĩnh vực luôn biến chuyển mạnh mẽ này.
"Những người nổi tiếng thường chi rất nhiều cho Mỹ phẩm nhưng lại luôn thuê người trang điểm khi dự các sự kiện lớn. Họ mua son tốt nhưng không tự trang điểm bởi sẽ không thể đẹp như thợ trang điểm chuyên nghiệp. Nếu muốn hãy cứ thuê trang điểm nhưng dùng son của mình. An toàn thông tin cũng vậy. Mua giải pháp chứ đừng tự vận hành, ông Hùng nhấn mạnh.
Bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng
Trong phát biểu tại Hội thảo, Triển lãm Quốc tế ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng trong kỷ nguyên số. Thậm chí, nó còn được ví với các ngành công nghiệp then chốt của một quốc gia.
"Cường quốc an ninh mạng cũng như cường quốc quân sự. Công nghiệp an ninh mạng cũng như công nghiệp Quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì cũng phải biết bảo vệ mình trên không gian mạn. Sứ mệnh của An toàn, an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh trách nhiệm này nằm trên vai Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để làm tốt điều này thì người Việt cần làm chủ hệ sinh thái, xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao khi chủ đề của Hội thảo, triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 là "An toàn, an ninh Make in Việt Nam – yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số quốc gia". Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã làm chủ 90% các hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước. Chỉ đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn.
Khi thế giới đang chuyển chuyển mình vĩ đại từ thế giới thực sang thế giới ảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ những lo lắng về an toàn, an ninh mạng là điều hiện hữu. Các quốc gia đều phải nỗ lực làm chủ công nghệ để không phụ thuộc số phận vào nước khác. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ ngay từ đầu với các công ty công nghệ thông tin để sản phẩm và dịch vụ được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Bizfly Cloud - Nhà cung cấp đa dịch vụ đám mây với chi phí tối ưu nhất - được vận hành bởi VCCorp - hiện là đối tác uy tín của nhiều đơn vị lớn như VTV, Vingroup, Đất Xanh Miền Bắc, Thu Cúc, Ahamove, VNtrip…
Độc giả quan tâm tới các dịch vụ đám mây do BizFly Cloud cung cấp có thể đăng ký sử dụng để được tặng 100% GIÁ TRỊ NẠP TIỀN lần đầu tiên (01 - 09/12/2020) tại:
Website: https://bizflycloud.vn
Mọi thông tin chi tiết, xin liên hệ:
Hotline: 024 7302 8888 - 028 7302 8888
Linh Anh