(Tổ Quốc) - Hiện nay, khu công nghiệp có khoảng cách ngắn nhất đến sân bay Tân Sơn Nhất với khoảng 3km.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cả nước có 22 sân bay dân dụng, gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Trong đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại thành phố Hồ Chí Minh đang là sân bay lớn nhất cả nước. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1,500 ha) và công suất hàng hóa và số lượng hành khách phục vụ mỗi năm.
Theo Ban quản ký các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, khu công nghiệp Tân Bình hiện là khu công nghiệp gần sân bay Tân Sơn Nhất nhất. Cụ thể, khu công nghiệp Tân Bình cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 3km.
Khu công nghiệp Tân Bình nằm tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú và phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân – thành phố Hồ Chí Minh. Khu công nghiệp Tân Bình có vị trí duy nhất nằm trong nội thành gần các cửa ngõ quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh.
Diện tích đất toàn khu công nghiệp Tân Bình đạt khoảng 128,7 ha. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầu của khu công nghiệp Tân Bình đạt 100%. Khu công nghiệp Tân Bình có vị trí thuận lợi gần Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cách 3 km), ga đường sắt Hòa Hưng, trung tâm cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái ( cách 20km), Quốc lộ 1A (cách 1km), Quốc lộ 22, Sài Gòn ( cách 10 km),
Xét về toàn bộ khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.811,71 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch của 23 khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, tỉ lệ lấp đầy đạt 77%.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ thành phố Hồ Chí Minh, lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%.
Bình quân hằng năm, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; trung bình hằng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô).
Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 6 doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất, khu công nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao và hơn 20 doanh nghiệp khác đầu tư vào những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao như: Cơ khí chính xác, linh kiện điện - điện tử, tự động hóa, thiết bị y tế cao cấp, pin năng lượng mặt trời…
Đặc biệt, một số nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ của nền kinh tế tri thức như sản xuất con chip, thiết kế vi mạch, như Công ty Mtex, Renesas,… Một số doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn khoa học-công nghệ.
Theo Bộ Công thương, về thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh 17 khu chế xuất - khu công nghiệp hiện hữu thì có hai nhóm khu công nghiệp nên được nghiên cứu thu hút công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cho thành phố.
Trong đó, nhóm khu công nghiệp mới hình thành và đang thu hút đầu tư gồm: Khu công nghiệp Tân Phú Trung, An Hạ, Cơ khí ô tô, Lê Minh Xuân 3. Đây là các khu công nghiệp mới thành lập, đang hoàn thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư.
Các khu công nghiệp này còn thời gian hoạt động khoảng 42 năm, riêng khu công nghiệp Tân Phú Trung khoảng 36 năm. Trong thời gian tới, các khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và thực hiện thu hút các nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Minh Tiến