(Tổ Quốc) - Một khu công nghiệp nằm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng cách gắn nhất đến siêu cảng biển 50.000 tỷ đồng đứng đầu về vốn đầu tư tư nhân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các dự án có sự tham gia của Nhà nước, Khu bến cảng Liên Chiểu yêu cầu khoảng 3.426 tỷ đồng để đầu tư Phần hạ tầng dùng chung. Đây là mức vốn Ngân sách lớn nhất được phê duyệt bố trí trong giai đoạn 2021 – 2025.
Các dự án khác cũng yêu cầu mức vốn ngân sách lớn bao gồm: đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.225 tỷ đồng); Đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải (1.416 tỷ đồng) và Đầu tư đê chắn sóng cảng Chân Mây - Giai đoạn 2 (750 tỷ đồng)…
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện các dự án
Trong danh mục Các dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, dự án bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng sẽ sử dụng hơn 50.000 tỷ đồng vốn tư nhân trong giai đoạn khởi động, dự kiến triển khai xuyên suốt từ năm 2021 – 2030. Đây là cảng biển đứng đầu về vốn đầu tư tư nhân.
Hiện nay, Sóc Trăng cũng đã phát triển mạnh các khu công nghiệp để tận dụng lợi thế logistics từ hệ thống cảng biển đem lại. Các khu công nghiệp tại Sóc Trăng gồm có: Khu công nghiệp An Nghiệp, khu công nghiệp Trần Đề, khu công nghiệp Đại Ngãi, khu công nghiệp Sông Hậu, khu công nghiệp Mỹ Thanh.
Trong đó, khu công nghiệp Trần Đề có khoảng cách ngắn nhất tới cảng Trần Đề, khoảng 4km. Khu Công nghiệp Trần Đề là khu công nghiệp thứ hai của Sóc Trăng và là khu công nghiệp đầu tiên do doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Đây được xem là khu kinh tế đầy tiềm năng, điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến đến cuối năm 2023, khu công nghiệp sẽ đón doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động.
Khu công nghiệp Trần Đề có tổng diện tích khoảng 160 ha. Khu công nghiệp Trần Đề nằm cạnh tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu, sông Hậu và cảng cá Trần Đề, có luồng tàu biển đi Côn Đảo; có hệ thống đường điện cao thế, có trữ lượng nước ngầm lớn; có nguồn nguyên liệu thủy sản dồi dào (nuôi trồng và khai thác biển); có nguồn cung ứng lao động, thương mại và dịch vụ lớn do gần với thị trấn Trần Đề là trung tâm huyện lỵ.
Với những lợi thế trên, khả năng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn nuôi thủy sản, sửa chữa, đóng tàu thuyền khai thác biển; chế tạo máy móc, động cơ phục vụ nuôi trồng, khai thác biển và các ngành kinh tế biển khác...
Theo đó, siêu cảng Trần Đề hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế rất lớn cho cả tỉnh, trong đó có cả khu Công nghiệp Trần Đề. Hơn nữa, Sóc Trăng dự kiến mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, đường 934B nên trong tương lai hạ tầng giao thông khu vực này sẽ đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Như vậy doanh nghiệp đầu tư vào khu Công nghiệp Trần Đề sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ tại địa phương và chi phí vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh và nước ngoài (thông qua cảng biển nước sâu) sẽ thấp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, cho lợi cao hơn.
Đặc biệt, Sóc Trăng có nguồn lao động phổ thông dồi dào, được tỉnh hỗ trợ đào tạo, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp.
Ngoài ra, theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Sóc Trăng đặt mục tiêu, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt theo nghị quyết của Bộ Chính trị…
Minh Tiến