(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị COP26 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết net-zero cho Việt Nam vào năm 2050. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam cùng nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, thì kịch bản nào cho mục tiêu net-zero và vai trò của năng lượng tái tạo. Liệu có làn gió mới và thu hút dòng vốn đầu tư?
Cuộc đua tới… Net-zero
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) đã diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10 đến 13/11/2021. Đây là Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, đồng thời là cuộc họp thứ ba của các bên tham gia Hiệp định Paris. Kết thúc Hội nghị, 197 nước đã thông qua Hiệp định Khí hậu mới (Hiệp định Glasgow) và mang lại hy vọng lớn cho nhân loại với mục tiêu giữ nhiệt độ khí quyển chỉ tăng thêm 1,5oC vào giữa thế kỷ 21 bằng việc cắt giảm mạnh phát thải khí nhà kính và tiến tới đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" (net-zero) vào năm 2050.
Hiểu ngắn gọn, net-zero là đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ. Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu net-zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070. Riêng Việt Nam, tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết net-zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Vậy đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam với nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, mục tiêu liệu có khả thi? Những cam kết này sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam? Đâu là những điều kiện cần và đủ để chuyển hóa các cam kết chính trị thành những hành động cụ thể? Bằng cách nào? Do ai thực hiện? Nguồn lực ở đâu? Cần phải có đột phá gì, ở lĩnh vực then chốt nào? Tương lai phát triển của ngành năng lượng Việt Nam sẽ ra sao? Và năng lượng tái tạo có vai trò gì trong lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho Việt Nam?
Và vai trò của năng lượng tái tạo
Để đạt được mục tiêu net-zero, mô hình dự báo tính toán các nguồn điện năng của Việt Nam cần được khử CO2 rất sâu, nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch chỉ còn chiếm 10% tổng công suất. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ, cần các biện pháp tham vọng để giảm đáng kể phát thải trong các lĩnh vực khác, đồng thời tăng cường hấp thụ CO2.
Tùy thuộc vào bản chất cũng như tính khả dụng công nghệ của từng ngành, sẽ có kịch bản mục tiêu giảm phát thải của từng ngành. Như chuyển đổi tối thiểu 85% phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, cắt giảm 50% phát thải từ các hoạt động nông nghiệp, mức hấp thụ CO2 tăng lên 50%, đồng thời phát thải từ LULUCF giảm 30% so với BAU theo cam kết NDC.
Đối với sản xuất điện, tăng 90% nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo sẽ dựa chủ yếu vào các nguồn phi thủy điện, do tiềm năng các nhà máy thủy điện đã gần như được khai thác hết. Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện khả thi nhất vẫn giới hạn ở năng lượng gió và mặt trời. Cơ cấu sản lượng ngày càng tăng của điện tái tạo đòi hỏi nguồn điện dự phòng ổn định để đảm bảo điều kiện vận hành an toàn của toàn hệ thống, do bản chất dễ thay đổi và khó dự báo của điện gió và điện mặt trời.
Theo như Dự thảo Quy hoạch điện 8 gần đây đưa ra kịch bản mới về năng lượng điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác vào năm 2030 cụ thể: đạt 17 GW công suất lắp điện gió trên bờ; đạt 13 GW trong vòng 9 năm tới = 1,4 GW/ năm trên thị trường; được thúc đẩy bởi phương pháp Đấu thầu; đạt 4 GW mục tiêu lắp đặt điện gió ngoài khơi, nhưng GWEC cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu từ 5 – 10 GW vào năm 2030. Trong giai đoạn 2030 – 2045 mục tiêu lắp đặt điện gió trên bờ là 38 GW tương đương 1,4 GW/ năm và ĐGKN là 36 GW tương đương 2,1 GW/ năm.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital và cũng là Tổng Giám đốc BCG Energy, một đơn vị đã xem năng lượng mặt trời là mảng đầu tư chiến lược của mình tin rằng Việt Nam có cơ sở đạt mục tiêu net-zero và đủ điều kiện cho cuộc cách mạng năng lượng tái tạo những năm tới. "Cá nhân tôi rất ấn tượng trước thông báo của Việt Nam về mục tiêu để đạt net-zero vào năm 2050. Việc cam kết đưa phát thải ròng về "0" và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu và là cơ hội cho Việt Nam phát triển".
Theo ông Tuấn, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nóng về đầu tư năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á nhờ sự phát triển của điện mặt trời. Kể từ khi biểu giá FiT cho điện mặt trời đầu tiên được ban hành vào năm 2017, sự bùng nổ phát triển của điện mặt trời trong khoảng ba năm qua đã dẫn đến việc có thêm hơn 16 GW công suất điện. Trong 5 năm tới, các dự án điện gió dự kiến sẽ dẫn đầu trong việc bổ sung thêm công suất điện. Việc phát triển và triển khai các nhà máy điện tái tạo này sẽ tạo ra các cơ hội thương mại và việc làm tại Việt Nam. Sẽ có cơ hội cho sự đổi mới trong tương lai khi các công nghệ mới được phát triển và mở rộng quy mô để đạt net-zero cho đất nước.
Cá nhân tôi rất ấn tượng trước thông báo của Việt Nam về mục tiêu để đạt net-zero vào năm 2050. Việc cam kết đưa phát thải ròng về "0" và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu và là cơ hội cho Việt Nam phát triển"
Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital
Cuối tháng 7/2021, BCG Energy và Tập đoàn SP (công ty điện lực hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đã bắt tay hợp tác với mục tiêu phát triển 500 MW điện mặt trời áp mái tại Việt Nam… Và mới đây nhất, ngày 9/12/2021, BCG Energy tiếp tục ký hợp đồng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo lên đến 1.5 GW tại Việt Nam với Sembcorp Utilities (công ty con trực thuộc Sembcorp Industries – Top 30 doanh nghiệp lớn nhất trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore). Việc BCG liên tục ký kết hợp tác với các "ông lớn" quốc tế cũng cho thấy sức hút của năng lượng sạch và tầm nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ thêm: "Các khó khăn về hạ tầng truyền tải lưới điện hay chính sách chỉ là vấn đề trước mắt. Net-zero sẽ là đích đến chung của các quốc gia phát triển. Cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 cho thấy tầm nhìn đúng đắn của các doanh nghiệp chọn đầu tư vào mảng năng lượng. BCG xác định năng lượng là cuộc đua đường dài nên chúng tôi không vì một số khó khăn trước mắt mà thay đổi chiến lược kinh doanh".
Đạt mức net-zero vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng mà Việt Nam cần vượt qua một số thách thức. Trong đó có thách thức liên quan đến việc có được nguồn tài chính cần thiết để tạo điều kiện quá trình chuyển đổi năng lượng, tiếp đến là đưa các công nghệ mới vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Các chính sách và khuôn khổ pháp lý mới cần được phát triển để thu hút đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo này.
Gia Anh