(Tổ Quốc) - Theo báo cáo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) về công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM), trong giai đoạn 2 - 3 năm tới, Vinamilk không còn nhiều dư địa tăng trưởng nhưng mở rộng kinh doanh sang mảng thịt bò có thể đóng góp nhiều cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Năm 2021, kết quả kinh doanh của Vinamilk có dấu hiệu phục hồi thấp, doanh thu đạt 60.919 tỷ đồng tăng nhẹ 2,2%, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 5,1% về 10.533 tỷ đồng so với năm ngoái.
Năm 2022, VCBS nhận định Vinamilk sẽ vẫn gặp thách thức trong việc tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ phục hồi ở mức thấp hơn kỳ vọng sau Covid mặc dù Chính phủ sẽ không còn thực hiện các biện pháp phong tỏa tại Việt Nam do dịch Covid 19. Thị trường trong nước sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu thụ chậm và xu hướng giảm trong tiêu dùng.
Trong giai đoạn 2-3 năm tới, VCBS đánh giá Vinamilk không còn nhiều dư địa tăng trưởng, mặc dù đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Chuyên gia VCBS kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng sữa tươi tiếp tục ổn định trong năm tới. Cùng với sữa Mộc Châu, Vinamilk có thể sẽ tăng thêm thị phần tại thị trường miền Bắc.
Về mảng sữa chua, nhu cầu về sữa chua ở Việt Nam sẽ vẫn tăng. Sữa chua có hương vị thuộc phân khúc cao cấp hơn sẽ có mức tăng trưởng sản lượng cao nhất với sự đổi mới đa dạng về muỗng và sữa chua uống của VNM.
Với các sản phẩm mới, giữa tháng 11/2021, Vibev đã tung ra sản phẩm sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi nhắm vào phân khúc sản phẩm hữu cơ. Vibev đặt mục tiêu trở thành số 1 trong lĩnh vực nước giải khát với sản lượng 150 triệu chai/năm, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng sau 5 năm.
VCBS cho rằng sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng với tốc độ hai con số từ 2023 - 2024 trở đi. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động. Hiện tại, Vinamilk sẽ bán thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản trong năm nay.
Siêu nhà máy sữa Hưng Yên
Ngày 23/12/2021, Vinamilk và Vilico nhận được chấp thuận đầu tư kinh doanh sữa tại Hưng Yên. Nhà máy đặt tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, rộng 25 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.600 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, với công suất thiết kế 400 triệu lít/năm.
Để phát triển chuỗi giá trị bền vững, cơ sở này sẽ kết nối với dịch vụ hậu cần và cụ thể là các trang trại bò sữa ở miền Bắc. Theo kế hoạch, cơ sở tại Hưng Yên sẽ trở thành siêu nhà máy sữa nổi bật tại Việt Nam và Đông Nam Á. Như vậy, ngoài nhà máy sữa Tiên Sơn, nhà máy Sữa Hưng Yên sẽ là nhà máy sữa thứ hai tại thị trường miền Bắc và siêu nhà máy sữa tươi thứ hai của Vinamilk.
Giai đoạn 1 hiện đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024. Sản phẩm chính sẽ là các loại sữa nước và sữa chua. Như vậy, cùng với Mộc Châu Milk, Vinamilk sẽ mở rộng sự hiện diện tại thị trường miền Bắc, cạnh tranh với TH True Milk.
Hiện tại tổng công suất các nhà máy của Vinamilk đang khoảng 65% tổng công suất thiết kế (2 tỷ lít/năm).
Huyền Trang