Kinh tế Nhật Bản đối mặt với đợt suy giảm lớn chưa từng có trong 4 thập kỷ

(Tổ Quốc) - Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, nền kinh tế quốc gia đang trải qua ​​một đợt suy thoái lịch sử trong quý II khi GDP giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm.

Theo số liệu của Văn phòng Nội các công bố ngày 17/8, GDP của Nhật Bản trong quý II/2020 giảm 7,8% so với quý trước, tương đương mức sụt giảm 27,8% tính theo năm, do tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Đây là mức sụt giảm sâu nhất mà quốc gia này từng ghi nhận kể từ khi thống kê số liệu GDP vào quý II/1980.

Mức sụt giảm mạnh nhất trước đó là 17,8%, xảy ra vào quý I/2009 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong bối cảnh đại dịch lây lan hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản, ông Nishimura Yasutoshi, cho biết: "Tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã cảnh báo về những tình trạng khẩn cấp. Đây là giai đoạn kinh tế ngừng trệ và bị tác động rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang phải đối mặt với những con số chạm đáy và đang nỗ lực hết mình để trở lại quỹ đạo tăng trưởng".

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm 0,6%. Trước đó, từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, kinh tế quốc gia này cũng đánh dấu mức suy giảm 1,8%. Điều này có nghĩa rằng Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong quý đầu tiên năm nay.

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết GDP của Hoa Kỳ giảm giảm 9,5% trong quý 2 so với quý 1, tương đương với mức giảm 32,9% trong cả năm. Ở Anh, con số này đạt mức 20,4%.

Nhật Bản phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì tăng trưởng khi dân số già đi nhanh chóng và các công ty chọn đầu tư vào các thị trường đang phát triển bên ngoài đất nước. Đồng thời, các động lực chính của tăng trưởng như chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu đã bị cản trở do đại dịch Covid-19.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm với tốc độ hàng năm là 56%.

Tiêu dùng cá nhân giảm với tỷ lệ hàng năm gần 29% khi người dân chọn mua sắm ở nhà, khiến các trung tâm thương mại và nhà hàng gần như không có khách.

Thêm vào đó, các hoạt động kinh doanh đều đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy vậy, tỷ lệ các ca nhiễm của Nhật Bản vẫn không có dấu hiệu khả quan. 

Các nhà phân tích nhận định rằng nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới, một khi tác động của đại dịch được kiểm soát. Tuy nhiên, triển vọng phát triển vắc-xin hay các phương pháp điều trị y tế cho Covid-19 tại Nhật Bản vẫn chưa rõ ràng.

Q.L

Tin mới