Kinh tế số đang thách thức kinh tế học truyền thống

(Tổ Quốc) - Kỷ nguyên kinh tế số đã và đang tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng về phương thức sản xuất và cách sống, tạo nên các thách thức đối với những nguyên lý và mô hình phân tích kinh tế truyền thống.

Trong nền kinh tế số, tài sản số góp phần quan trọng cải thiện hiệu quả sản xuất và giá trị thị trường của các công ty và cả nền kinh tế. Nhờ phân tích dữ liệu lớn, chi phí giao dịch và ma sát thông tin trên thị trường giảm đáng kể, đồng thời gia tăng độ chính xác của dự đoán trên thị trường tài chính, cải thiện hiệu quả đầu tư và bôi trơn trong cân đối cung-cầu thị trường. Đối với kinh tế khu vực công, dữ liệu tạo ra thông tin ngoại ứng tích cực, hướng đến các quyết định cải thiện nhiều hơn phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, kinh tế số cũng gây nên một số vấn đề như vi phạm quyền riêng tư của người dùng, gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia. Quá trình tự động hóa trong nền kinh tế số dẫn đến việc thay thế phần nào con người, gây xáo trộn thị trường lao động. Các nền tảng số siêu lớn cũng tiềm ẩn việc lạm dụng sức mạnh thị trường khổng lồ của mình để thực hiện hành vi định giá mang tính độc quyền và phân biệt đối xử, gây tổn hại đến thặng dư của người tiêu dùng và cản trở năng lực đổi mới tiềm tàng. Những đặc trưng này của nền kinh tế số khiến các mô hình phân tích kinh tế truyền thống cần phải có những thay đổi cơ bản và viết thêm những trang mới.

Kinh tế số mang lại phúc lợi lớn, nhưng giá trị thị trường chưa được xác định

Trước hết, kinh tế số tạo ra phúc lợi mà kinh tế học truyền thống đã không tính đến, như các dịch vụ thông tin và dữ liệu miễn phí Wikipedia, dịch vụ email như Gmail, và bản đồ kỹ thuật số như Google Maps. Các sản phẩm này đều có giá trị kinh tế khổng lồ, các dịch vụ mang lại phúc lợi rất lớn, tuy nhiên lại không được tính trong hệ thống tài khoản quốc gia vì GDP chỉ đo lường giá trị tiền tệ của tất cả các hàng hóa cuối cùng theo một mức giá nhất định. Xét theo quan điểm kinh tế học truyền thống, có một nghịch lý là kinh tế số đang tạo ra rất nhiều dịch vụ có giá trị cao, nhưng gần như không có chi phí - và đặc biệt là có chi phí cận biên bằng không.

Dữ liệu đang trở thành nhân tố sản xuất quan trọng

Khoảng 20 năm cuối của thế kỷ XX được coi là thời kỳ bùng nổ các nghiên cứu về mô hình tăng trưởng, trong đó các nhân tố kinh tế bao gồm: vốn vật chất, lao động, vốn con người, và tiến bộ kỹ thuật được coi là những nguồn cơ bản. Các nhà kinh tế sau đó cũng đã cố gắng lượng hóa và đưa vào mô hình các nhân tố phi kinh tế như yếu tố văn hóa – xã hội, thể chế và sự tham gia của cộng đồng,… Đã có những nỗ lực xây dựng một mô hình đầu tư tân cổ điển tổng quát với vốn vật chất, lao động và hai loại vốn vô hình (kiến thức và vốn thương hiệu) làm đầu vào. Nghiên cứu thực nghiệm này cũng đã cho thấy tầm quan trọng của vốn vật chất đối với giá trị công ty đã giảm trong những thập kỷ gần đây, trong khi vốn tri thức đã tăng lên, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Mức độ quan trọng ngày càng tăng này của các yếu tố vô hình cho thấy cần phải đo lường và đánh giá phù hợp hơn tác động của tài sản vô hình tới tăng trưởng.

Trong nền kinh tế số, dữ liệu và khả năng phân tích dữ liệu đang ngày càng trở thành nhân tố sản xuất quan trọng, tuy nhiên rất khó để đo lường chính xác giá trị của tài sản vô hình ngoài việc xác định sự tồn tại của chúng. Do vậy, một thách thức đặt ra đối với các mô hình hàm sản xuất truyền thống là làm thế nào để kết hợp được yếu tố "dữ liệu" với các yếu tố truyền thống, đặc biệt là vốn nhân lực, vốn con người, để đánh giá được đầy đủ và chính xác hơn các nguồn tăng trưởng và đóng góp của từng nhân tố.

Kinh tế số giảm chi phí giao dịch trên thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính

Một tính năng đặc biệt khác của nền kinh tế số là thông tin luôn có sẵn ở khắp mọi nơi, do vậy giả thuyết về thông tin bất đối xứng của kinh tế học truyền thống không còn phù hợp trong kỷ nguyên dữ liệu lớn khi đã có những thay đổi đáng kể trong thu thập và đánh giá thông tin. Chi phí thu thập và tìm kiếm thông tin trên thị trường tài chính đã giảm đáng kể và việc thu thập dữ liệu tín dụng đã chuyển từ truy xuất thông tin thụ động sang thu thập thông tin chủ động. Những đột phá này đã dẫn đến sự ra đời của của công nghệ tài chính (Fintech), được xác định là một đột phá quan trọng trong việc nâng cao tính bao trùm của thị trường, chẳng hạn P2P, mobile money,… cho phép các công ty tài chính cung cấp tín dụng cho những bộ phận dân cư chưa được phục vụ trước đây. Như vậy, những khoảng trống và bất đối xứng thông tin vốn tồn tại ở hầu hết các mô hình kinh tế truyền thống đang được loại bỏ một phần và xuất hiện các thị trường chưa từng tồn tại trước đây, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Các siêu nền tảng số phát huy hiệu quả hơn trong việc khớp cung-cầu

Sự hình thành eBay chỉ đơn giản là do người mua và người bán không thể tìm thấy nhau, nhưng trên World Wide Web, điều này được khắc phục. Các nền tảng số lớn ngày nay đã nắm được đặc điểm cơ bản này của thị trường, từ đó tạo ra cách để người mua và người bán khớp được cung-cầu. Nhờ các nền tảng lớn đang phát triển rất mạnh mẽ, khoảng cách thông tin giữa người mua và người bán đã được thu hẹp. Nhiều "ngân hàng" bây giờ chỉ có một vài nhân viên nhưng lại đang quản lý hàng triệu khoản vay nhỏ, là những khoản vay mà các ngân hàng truyền thống gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận. Dữ liệu đã trở thành tài sản thế chấp mới.

Dữ liệu làm gia tăng ngoại ứng thông tin tích cực và cải thiện phúc lợi xã hội

Kinh tế số đã tạo ra hiệu ứng bên ngoài tích cực, vì thông tin của một cá nhân có thể được sử dụng cho người khác, tạo nên ngoại ứng thông tin công cộng hữu ích và cải thiện phúc lợi xã hội cho tất cả mọi người. Nền kinh tế trong đại dịch là một ví dụ hoàn hảo của ngoại ứng thông tin tích cực. Trong đại dịch COVID-19, vị trí được xác định nhờ kỹ thuật số có thể được sử dụng để ước tính xác suất lây nhiễm và một số nước đã sử dụng dữ liệu để chỉ ra mức độ rủi ro của một cá nhân. Lợi ích kinh tế ở đây là việc có được một phương án di chuyển an toàn hơn, do đó làm giảm tác động kinh tế của các chính sách giãn cách. Có nhiều ví dụ khác về gia tăng phúc lợi, chẳng hạn như trong chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo dưới dạng nhận dạng hình ảnh được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán cho các nhóm dân cư vùng sâu, vùng xa. Dữ liệu ngày càng có vai trò quan trọng trong việc cải thiện phúc lợi xã hội bằng cách hỗ trợ quá trình ra quyết định và thực thi chính sách. Nhờ phân tích dữ liệu lớn, chính phủ có thể thay thế hoặc thậm chí dừng thực thi các chính sách không hiệu quả ở mọi giai đoạn và cải thiện hiệu quả của việc hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, vai trò ngày càng tăng của dữ liệu cũng là nguồn gốc của những thách thức đối với thị trường và phúc lợi xã hội do nền kinh tế số mang lại.

Thị trường lao động có bất ổn?

Trong nền kinh tế số, đã có lo ngại rằng các công nghệ kỹ thuật số như AI và robot hỗ trợ kỹ thuật số sẽ dẫn đến tự động hóa và do đó việc làm sẽ bị mất. Máy tính và AI có thể cạnh tranh với khả năng của con người trong một số công việc với hiệu quả cao hơn và chi phí cận biên thấp hơn. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một phần lớn các ngành nghề truyền thống được thay thế bằng máy móc. Theo xu hướng số hóa nhiều công ty phải áp dụng chiến lược táo bạo và tiến hành đổi mới đột phá mới tồn tại trong cuộc đua và cuộc cách mạng số hóa này sẽ đẩy nhanh quá trình "phá hủy sáng tạo" và loại bỏ một số công việc truyền thống. Mặc dù nền kinh tế kỹ thuật số đã tạo ra một số lượng đáng kể việc làm mới, nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc phân bổ lại lực lượng lao động từ các công việc hiện tại sang các vị trí mới được tạo ra sẽ là một quá trình chậm chạp, vì luôn cần thời gian để tìm một công việc mới với những kỹ năng mới. Khi xã hội chưa thể chuẩn bị đầy đủ lực lượng lao động cho các công việc mới, sự không phù hợp giữa kỹ năng lao động và công nghệ mới chắc chắn sẽ làm phức tạp quá trình điều chỉnh và cản trở việc cải thiện năng suất do các công nghệ mới mang lại.

Các siêu nền tảng số và sự lạm dụng sức mạnh thị trường

Cạnh tranh hoàn hảo luôn là một giả thuyết "hoàn hảo" của kinh tế học truyền thống. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, các nền tảng lớn có sức mạnh thị trường vượt trội và có thể ngăn chặn sự đổi mới công nghệ trong một số trường hợp. Những nền tảng lớn này tự bảo vệ mình với lý do đang cung cấp chi phí thấp hoặc lợi ích miễn phí cho nhiều người và tìm cách ngăn chặn quyền gia nhập thị trường của nhiều công ty đang phát triển công nghệ mới. Quyền lực độc quyền này có thể tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong việc truy cập dữ liệu cá nhân và dẫn đến phân biệt đối xử, giảm hiệu quả thị trường.

Sự riêng tư của dữ liệu cá nhân

Vi phạm quyền riêng tư dữ liệu và bảo mật dữ liệu là những rủi ro lớn trong nền kinh tế số và luôn có sự đánh đổi giữa việc bảo vệ quyền riêng tư và tạo ra thông tin hữu ích công khai. Dữ liệu là hữu ích nhất khi nó có thể được gộp lại và chia sẻ theo những cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, một số công ty đã tham gia vào các hoạt động thu thập và chia sẻ dữ liệu, mà không có được sự đồng ý đầy đủ của cá nhân. Sự bất đối xứng này có thể đặt người tiêu dùng vào một vị trí bất lợi. Các tác động tiêu cực này đặc biệt được ghi nhận đối với những người nghèo, trình độ giáo dục thấp và ít thông tin về công nghệ, và sự đánh đổi giữa lợi ích kinh tế của dữ liệu và lợi ích cá nhân không phải như nhau với tất cả mọi người.

Vấn đề an ninh quốc gia

Các nhà hoạch định chính sách quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong hợp tác quốc tế về luồng thông tin và dữ liệu. Một mặt, chính phủ các nước muốn khuyến khích dòng chảy thông tin qua biên giới vì các lợi ích kinh tế, giáo dục, công nghệ,... Mặt khác, lại cần phải kiểm soát luồng thông tin tự do để ngăn chặn thư rác, vi phạm bản quyền, bảo vệ an ninh quốc gia, các cơ sở hạ tầng quan trọng trong nền kinh tế và hệ thống tài chính. Trong thế giới vạn vật (IoT), nơi không chỉ các máy chủ và thiết bị truyền thông được kết nối với Internet, mà là mọi thứ khác. Điều này đặt ra các vấn đề an ninh cực kỳ quan trọng cần được giải quyết mà khu vực tư nhân không thể đảm trách.

Tóm lại, sự xuất hiện của kinh tế số đang đưa đến nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời tạo ra cả các thách thức đối với kinh tế học truyền thống. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, những thay đổi lớn đang diễn ra trong đời sống kinh tế và xã hội với nhiều hàng hóa và dịch vụ số miễn phí được cung cấp cho người tiêu dùng. Mặt khác, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn đã liên kết người bán và người mua hiệu quả hơn, cải thiện độ chính xác của các dự đoán và giảm chi phí thông tin và độ ma sát trên thị trường. Tuy nhiên, những công nghệ số này cũng đang gây ra các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, dẫn đến tiềm năng thất bại thị trường lớn hơn và điều này đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ để cân bằng lợi ích của tất cả các bên, phát triển các khuôn khổ thể chế và pháp lý hiệu quả để hạn chế việc lạm dụng quyền lực thị trường.


GS. Trần Thọ Đạt, Nhật Hạ - Phương Hoa (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới