(Tổ Quốc) - Khoảng thời gian vừa qua, VN-Index trải qua một đợt giảm điểm mạnh khiến cho nhiều nhà đầu tư hoang mang. Vậy, liệu cú hích nào có thể đưa VN-Index quay đầu?
Sau 4 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Mặc dù các chỉ số vĩ mô khá tốt, trong 7 – 10 ngày vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) rớt điểm liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Diễn biến thị trường khiến cho nhiều nhà đầu tư hoang mang và phần nào thấm thía tính nghiệt ngã của thị trường. Vậy, điều gì có thể làm VN-Index quay đầu?
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TCNH, Trường Đại học Đại Nam) sẽ nhìn nhận vấn đề dưới giác độ tài chính hành vi, đồng thời đưa ra nhận định cá nhân về thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TCNH, Trường Đại học Đại Nam)
Cập nhật môi trường vĩ mô
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, trong 4 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế vĩ mô chứa đựng nhiều gam màu sáng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Có thể lạm phát cả năm sẽ trượt ra ngoài khung 4% so với kế hoạch nhưng biên độ 1% là hoàn toàn chấp nhận được nếu xét trong bối cảnh có quá nhiều biến động của kinh tế thế giới cộng với đặc thù của kinh tế Việt Nam là quy mô nhỏ, độ mở cửa rất cao và dễ bị tổn thương.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 4 khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ. Xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư công cùng với xuất khẩu ròng là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Tiếp đến, tốc độ tăng trưởng kinh tế là điểm tựa vững chắc cho thị trường chứng khoán, nên việc giải ngân chậm sẽ tác động tiêu cực nhất định đến kịch bản tăng trưởng cả năm, là 5,3% (WB); 6% (IMF) và 6,5% (ADB). Do TTCK thường không ánh xạ ngay lập tức sức khỏe nền kinh tế mà luôn có độ trễ (ở Việt Nam thường từ 2-3 tháng) nên rất khó để nhận thấy được ảnh hưởng của giải ngân đầu tư công chậm lên thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện tại.
Nhằm xử lý vấn đề này, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác liên ngành nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả. Chính vì vậy, vấn đề này sẽ không có nhiều ảnh hưởng ngược chiều đến thị trường chứng khoán.
Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt mức kỷ lục, trên 110 tỷ USD gấp gần 04 lần so với năm 2015 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự trữ ngoại hối luôn được đảm bảo an toàn, ngay cả khi thị trường quốc tế có nhiều bất ổn. Chính vì vậy Ngân hàng nhà nước hoàn toàn đủ lực để can thiệp vào tỷ giá theo hướng thị trường nhằm tiếp tục trợ giúp xuất khẩu mà không hề chịu sức ép bị quy kết thao túng tiền tệ.
Mặt khác, Fed lại tiếp tục tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất vào ngày 4/5 vừa qua, Tuy nhiên việc tăng đã nằm trong lộ trình và được công bố rộng rãi nên không gây bất ngờ cho cộng đồng tài chính thế giới. Việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng. Tuy nhiên, động thái này sẽ không có những tác động ngay lập tức đến thị trường Việt Nam mà cần có độ trễ ngoài nhất định.
Có thể nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng vừa qua không những ổn định mà còn có nhiều điểm sáng, tạo đà thuận lợi cho tăng trưởng trong các quý tiếp theo của năm. Bên cạnh đó, đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan hữu quan nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
VN-Index rớt thảm hại
Trong khoảng thời gian 7-10 ngày vừa qua, VN-Index rớt thảm hại trong 6 phiên liên tiếp, có lúc rớt kỷ lục 81 điểm trong một phiên giao dịch. Nhiều mã cổ phiếu trụ, sức khỏe tài chính doanh nghiệp sau mùa công bố báo cáo tốt mà vẫn nằm sàn la liệt. Điểm sáng duy nhất có lẽ là khối ngoại vẫn liên tục mua ròng. Với cách tiếp cận thị trường luôn đúng, xem xét thị trường chứng khoán giảm sâu, gần như liên tục trong bối cảnh điều kiện vĩ mô nhiều điểm sáng, vậy điều gì đã xảy ra?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam, phần lớn nguyên nhân đến từ tâm lý bi quan thái quá của các nhà đầu tư.
Thứ nhất, các nhà đầu tư tổ chức đã nhanh chân cơ cấu lại và ổn định danh mục đầu tư sau khi thị trường có những biến động liên quan đến việc lành mạnh hóa thị trường của các cơ quan hữu trách.
Thứ hai, quá nhiều nhà đầu tư cá nhân, trong đó rất nhiều F0 không quen chịu áp lực, không chủ động cảm xúc nên hành vi bán tháo là điều có thể hiểu được. Hành vi bán tháo vào thời điểm này được giải thích bởi tâm lý bi quan thái quá nhiều hơn là hiệu ứng đám đông. Họ bán bằng mọi giá và rời khỏi thị trường. Trong nghiên cứu mới nhất của Hiếu và cộng sự (2020), yếu tố Hiệu ứng đám đông chỉ xếp thứ 4 trong nhóm các yếu tố của tài chính hành vi ảnh hưởng đến quyết định trading của nhà đầu tư cá nhân trên sàn chứng khoán.
Thứ ba, nhà đầu cơ đã bán ở các phiên trước để chuyển vốn về gửi tạm tại ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động đang nhích dần lên hay chuyển về cổ phiếu trụ và nằm im chờ thời.
Thứ tư, mặc dù có nhiều phiên khối ngoại mua ròng nhưng quy mô nhỏ (khoảng 4-5% dung lượng thị trường) nên đương nhiên là không gánh được thị trường.
Vậy thị trường cần gì?
Đặc trưng rõ nét của thị trường chứng khoán cận biên là đặc biệt nhạy cảm với thông tin, cho dù là mơ hồ, cả theo chiều hướng tốt và xấu. Ở thời điểm thị trường đang yếu như thế này, có lẽ 1 cú sốc là điều cần thiết để vực dậy thị trường. Đó có thể là một cú sốc thông tin, sốc dòng tiền thực hoặc sốc chính sách theo hướng thuận lợi thì mới kỳ vọng TTCK xác định đáy, đảo chiều và dần xác định xu hướng up trend.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TCNH, Trường Đại học Đại Nam)/ Hoàng Hường (ghi)