(Tổ Quốc) - Theo ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, với cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cấu nhân lực, những nỗ lực cải cách hành chính, Hậu Giang sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt được sự tăng trưởng kinh tế vượt trội thông qua kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất.
Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng, tổng diện tích 290 ha. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Masan đã nhận Chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Miền Tây 2 tại KCN Nam Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Một số dự án lớn khác phải để đến như: Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (5.649 tỷ đồng); Dự án Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân (1.134 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh (2.700 tỷ đồng)...
Đồng thời, hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết 8 biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư, với tổng giá trị 204.649 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Him Lam đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch với tổng vốn dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD (tương đương khoảng 142.600 tỷ đồng).
Công ty Cổ phần Tập đoàn SHINEC đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và đô thị với diện tích 243ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp với diện tích 425ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần FPT đầu tư các lĩnh vực chuyển đổi số và giáo dục và đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.
Hậu Giang có tiềm năng gì đặc biệt?
Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam Sông Hậu, bao gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước. Bên cạnh đó, địa phương cũng nằm ở trung tâm của hệ thống đường thủy nội địa sông Cửu Long, có tổng số 2.300 km sông, rạch, nằm ở trung điểm của nhiều tuyến đường cao tốc, cách sân bay và cảng biển chỉ 30 km từ ranh giới tỉnh.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang, dữ liệu của Cục Thống kê địa phương cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Hậu Giang đạt gần 6%. Đặc biêt, Hậu Giang là một trong những tỉnh phục hồi kinh tế nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực sau hai năm chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, GRDP năm 2021 của tỉnh tăng 3,08%, đứng thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,04% - mức tăng cao nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay. Sang đến năm 2022, tính đến tháng 6, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 11%, đứng thứ 8 cả nước và thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: UBND tỉnh Hậu Giang
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hậu Giang cũng có những thay đổi tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong năm 2021 xếp thứ 38/63 tỉnh, thành trên cả nước với 63,80 điểm, tăng 12 bậc trong giai đoạn 2017 - 2021 (từ vị trí 50 năm 2017 lên vị trí 38 năm 2021). Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 4 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 31 năm 2019 lên vị trí 27 năm 2021), tạo đột phá quan trọng giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Nhận định về tiềm năng phát triển của tỉnh, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, với sự lãnh đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã có thể tạo ra một cơ cấu kinh tế mở và độc lập trong thời điểm khó khăn này; bảo đảm an ninh lương thực với khu vực ĐBSCL, an ninh năng lượng, duy trì thặng dư cán cân vãng lai thông qua thặng dư thương mại và dòng vốn đầu tư từ phát triển công nghiệp chế tạo.
"Bên cạnh đó, cơ cấu tài khóa hợp lý với chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt trong đợt đại dịch vừa qua giúp Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội dựa trên nguồn tài chính của Chính phủ trong vài năm tới", ông nói.
Ông cho rằng, ĐBSCL là nơi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này. Và tỉnh Hậu Giang, trung tâm của cơ sở hạ tầng hậu cần ĐBSCL, sẽ có thể xây dựng nên câu chuyện thành công hiệu quả nhất. Những cơ sở hạ tầng giao thông này là chìa khóa cho hậu cần và sản xuất. Ngoài ra, khoảng 78.000 ha đất trồng lúa chiếm một nửa diện tích của tỉnh Hậu Giang, đóng vai trò then chốt trong an ninh lương thực quốc gia.
"Với cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cấu nhân lực, những nỗ lực cải cách hành chính, Hậu Giang sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt được sự tăng trưởng kinh tế vượt trội thông qua kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất", ông Han Jae Jin khẳng định.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 là cải thiện vị trí xếp hạng về quy mô kinh tế, với mục tiêu phát triển nhanh hơn bình quân của cả nước, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 trên 77 triệu đồng, tương đương 3.319 USD. Đến giai đoạn 2026 - 2030, địa phương phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8 - 10%, thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng, tỉnh sẽ cơ bản tự chủ ngân sách.
Giai đoạn 2031-2050, Hậu Giang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ cấu kinh tế hiện đại với đóng góp của khu vực dịch vụ tăng lên trong GRDP, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm từ nay đến năm 2050; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 13.000 USD/người/năm.
Giang Anh