(Tổ Quốc) - Nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay có thể tăng mạnh trong thời gian tới khi lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng liên tục tăng.
Các nhà băng ồ ạt tăng lãi suất
Trong những tháng đầu năm của năm 2022, các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động, đa phần đều có xu hướng tăng lên ở các kỳ hạn.
Theo lãi suất cập nhật mới nhất tháng 4/2022, có không ít các ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiền gửi ở mức hấp dẫn. Mới đây nhất, ngân hàng VPBank điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, lãi suất cao nhất đang được áp dụng ở ngân hàng này là 6,9%/năm. Không chỉ gửi tại quầy, tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của VPBank tăng 0,4 – 0,5 điểm % lên 6 – 6,8%/năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) công bố chương trình cộng thêm đến 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Theo đó, mức lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.
Trước đó các ngân hàng như ACB, NamABank, VietCapitalBank cũng đã điều chỉnh lãi suất tăng thêm từ 0,1-0,3%/năm cho nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất được các ngân hàng này niêm yết ở mức cao nhất từ 7-7,1%/năm... Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất này tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Ở góc độ của các chuyên gia, nhiều công ty chứng khoán cũng dự báo mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ không còn ở nền thấp như năm 2021 nữa. Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát.
Các chuyên gia phân tích HSBC cho rằng rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tổ chức dự báo lãi suất sẽ được tăng 50 điểm cơ bản vào quý III/2022.
Đồng quan điểm về lạm phát và xu hướng lãi suất, báo cáo mới nhất của VCBS cũng dự báo năm 2022 lạm phát có thể vượt quá mục tiêu 4%. Lãi suất huy động có thể tăng 0,5-1% trong cả năm nay.
Lãi suất cho vay có gặp thách thức?
Mặt bằng lãi suất huy động tăng phần nào cho thấy nhu cầu huy động vốn của các tổ chức tín dụng đang tăng theo. Bên cạnh đó áp lực lạm phát ngày càng tạo ra sức ép lớn cho các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất. Thực tế này đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng về nguy cơ sẽ phải đối mặt với những đợt tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Không những vậy, sự việc lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh vừa qua đã khiến cho khó khăn chồng chất khó khăn khi kênh huy động trái phiếu ngày càng thắt chặt. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ lo lắng khi tìm kiếm kênh huy động vốn hợp lý để có chi phí vốn thấp nhất.
Ông Phạm Gia Hưng, giám đốc của một công ty may mặc ở Hải Dương cho biết, nhu cầu thị trường tăng lên khiến doanh nghiệp phải tăng tốc hoạt động nhập nguyên liệu và sản xuất để kịp cung ứng cho đối tác. Tuy nhiên, do dòng tiền doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid – 19 nên doanh nghiệp phải tìm đến nguồn tín dụng ngân hàng nhiều hơn. "Việc lãi suất huy động các ngân hàng tăng lên rất có thể khiến lãi suất cho vay tăng theo, như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận vì chi phí tăng theo, áp lực trả nợ với các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi sẽ ngày càng lớn."
Không chỉ doanh nghiệp của ông Hưng mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng cần vốn để khôi phục hoạt động sản xuất sau đại dịch Covid kéo dài suốt 2 năm qua. Thực tế cho thấy, tín dụng quý I/2022 tăng trưởng ở mức 5,04%, mức tăng có thể nói là ấn tượng so với mấy năm vừa qua và gấp 4 lần mức tăng hồi quý I/2021. Con số này nói lên cầu về vốn đang ngày càng tăng mạnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản trong thời gian gần đây, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.
Lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa giữa nhóm ưu tiên và nhóm bị kiểm soát
Theo các chuyên gia tại công ty chứng khoán VCBS, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực nhất định, tuy nhiên sẽ phân hóa đặc biệt giữa nhóm ưu tiên và nhóm được kiểm soát chặt chẽ tín dụng. Gần đây, NHNN đưa ra thông điệp về việc nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó, định hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch là mục tiêu xuyên suốt.
Thêm nữa, Quốc hội đã thông qua và Chính phủ cũng bắt đầu triển khai gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên. Đây là nguồn vốn cần thiết và phù hợp để tiếp sức doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.
Ngoài ra, VCBS nhận định lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết đến hiện tại, việc lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.
"Để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn, góp phần điều hòa chi phí huy động vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí", ông Lực nói.
Thảo Linh