(Tổ Quốc) - Không chỉ những chuỗi bán lẻ của Thế giới Di động, FPT Retail, Wincommerce, mà cả các đơn vị bán buôn như Digiworld, Petrosetco cũng đều tăng trưởng tốt trong quý 1/2022
Nền kinh tế mở cửa lại trong quý I/2022 đã tạo đà bật trở lại cho toàn nền kinh tế, và bán lẻ là ngành hưởng lợi lớn từ xu hướng đó.
Cụ thể, theo báo cáo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hòa và doanh thu dịch vụ tháng 4 đạt 455.500 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ 2021. Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ lên mức 1,78 triệu tỷ đồng. Đóng góp cho sự tăng trưởng vượt trội này không chỉ có nhu cầu nội địa tăng mạnh và cả nguồn khách ngoại quốc phục hồi nhờ hoạt động du lịch mở cửa, theo nhận định của SSI.
Trong quý I, Đầu tư Thế giới Di động (MWG) - chủ sở hữu của ba ba chuỗi Thế giới Di động, Điện Máy Xanh và Topzone đã ghi nhận doanh thu tăng 18% lên mức kỷ lục 36.467 tỷ đồng trong quý I. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 8% từ mức 1338 tỷ đồng năm ngoái lên 1445 tỷ đồng (mức cao thứ nhì trong lịch sử hoạt động)
Trong đó, 3 chuỗi bán lẻ Thế giới Di Động, Điện Máy Xanh và Topzone mang về 30.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Chuỗi Bách Hóa Xanh đạt 6.040 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với quý I/2021; chuỗi nhà thuốc An Khang ghi nhận doanh số gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước.
Song song với chỉ số kinh doanh khởi sắc này, MWG cũng gia tăng số lượng cửa hàng lên mức 5497 cửa hàng, tăng thêm 191 cửa hàng từ đầu năm. Trong đó, ĐMX mở thêm 85 cửa hàng, TGDĐ thêm 15 cửa hàng, Chuỗi nhà thuốc An Khang mở thêm 33, BHX thêm 21, Topzone mở thêm 19, AVA mở thêm 24 cửa hàng độc lập. An Khang cũng được đặt mục tiêu nâng lên 400 cửa hàng cho đến tháng 6.
Trong quý I, doanh thu của FPT Retail (FRT) cũng tăng 67% so với cùng kỳ lên mức 7.786 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi Long Châu ghi nhận tăng trưởng gấp 3,7 lần, đạt 2159 tỷ đồng (chiếm 27,7%; chuỗi FPT Shop đóng góp 5.646 tỷ đồng (tăng 38% so với năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 5,3 lần cùng kỳ lên mức 165 tỷ đồng.
Tính đến hết quý, FPT Retail đã mở thêm 146 cửa hàng Long Châu và 29 cửa hàng FPT Shop. Dự tín đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng Long Châu và 70 cửa hàng FPT Shop. Công ty cũng mở thêm 87 trung tâm lajptop của mình.
Doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu đạt 10143 tỷ đồng (tăng 41,2%) và lợi nhuận sau thuế đạt 721 tỷ đồng (tăng 40,7%).
Trái với các doanh nghiệp bán lẻ kể trên, PNJ lại giảm nhẹ số cửa hàng xuống 340 so với đầu năm. Cụ thể đơn vị mở mới 2 cửa hàng, nâng cấp 3 cửa hàng và đóng 4 cửa hàng PNJ Silver. Năm 2022, Công ty dự kiến mở thêm 35-40 cửa hàng. Trong quý I,
Một người khổng lồ khác trong lĩnh vực bán lẻ mà WinCommerce, mặc dù không có bước nhảy doanh thu quá lớn nhưng cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu nhẹ 0,8% lên 7297 tỷ đồng. Tuy vậy, con cưng mảng bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vẫn đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trong quý I. Doanh nghiệp tăng thêm 109 cửa hàng mới trong 3 tháng đầu năm, gồm 2 siêu thị WinMart và 107 siêu thị mini WinMart . Đến cuối năm, lãnh đạo công ty kỳ vọng mở thêm 1000 cửa hàng bán lẻ mini trên toàn quốc.
Không chỉ đơn vị bán lẻ, các đơn vị bán buôn cũng được hưởng lợi khi sức mua phục hồi sau dịch. Digiworld (HoSE: DGW) báo cáo doanh thu quý I tăng 40% đạt 7.009 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 97,2% đạt 210,9 tỷ đồng. Doanh thu Petrosetco (HoSE: PET) quý đầu năm đạt 4.816 tỷ đồng, tăng 14% nhờ hoạt động phân phối sản phẩm laptop; lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, tăng 37%.
Yên Khê