(Tổ Quốc) - Ba địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh có thu nhập bình quân thấp nhất cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất.
Nếu nhìn vào kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Lào Cai, chỉ đứng thứ 56 về thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó, báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) năm 2021, lại chỉ ra, Lào Cai là địa phương đắt đỏ thứ 6 cả nước, chỉ sau Hà Nội, Quảng Ninh, TP. HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Không chỉ Lào Cai, Lạng Sơn cũng là tỉnh nghèo (thu nhập bình quân đứng thứ 57) nhưng lại đắt đỏ (chi phí sinh hoạt đứng thứ 8). Sơn La đứng thứ 62 về thu nhập bình quân, nhưng chi phí sinh hoạt lại cao thứ 7.
Theo báo cáo SCOLI, chỉ số SCOLI các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La thường cao do nhiều hàng hóa không sản xuất tại vùng cao, đường xá đi lại khó khăn nên giá cước vận chuyển cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối phân tán đòi hỏi chi phí cao để duy trì hệ thống, cùng với chi phí dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã đẩy giá hàng hóa của vùng Trung du và miền núi phía Bắc lên cao hơn so với các vùng khác.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, giúp hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa được thông suốt nhanh chóng, làm cho mức giá hàng hóa tiêu dùng trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc tương đương với các địa phương khác trên cả nước.
Cụ thể, năm 2021, vùng Đồng bằng sông Hồng giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 99,04%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,74%, Tây Nguyên 97,57% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 95,12%.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61%, thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Báo cáo cũng chỉ ra, chỉ số SCOLI năm 2021 của vùng Đông Nam Bộ bằng 99,04%. Trong năm 2021, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của dịch Covid-19. Giỏ hàng của người tiêu dùng thay đổi, các nhóm hàng được tiêu dùng ít có mức giá thấp hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép bằng 92,83% vùng Đồng bằng sông Hồng, nhóm bưu chính viễn thông bằng 97,18%; nhóm đồ uống thuốc lá bằng 97,83%; nhóm giáo dục bằng 99,31%.
Tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 98,74%. Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón và giày dép bằng 92,43%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống 96,23%; bưu chính viễn thông bằng 97,01%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng như đồ uống và thuốc lá bằng 101,57%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 103,03%; giáo dục bằng 105,44%.
Chỉ số SCOLI của vùng Tây Nguyên năm 2021 bằng 97,57%, thấp hơn mức giá của vùng Đồng bằng sông Hồng chủ yếu ở các nhóm hàng sau: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 93,4%; đồ uống và thuốc lá bằng 97,23%; bưu chính viễn thông bằng 78,76%; giáo dục bằng 82,12%.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước trong nhiều năm nay, chỉ bằng 95,12% vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong 11 nhóm hàng chính có 8 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn mức giá bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nguyên nhân chủ yếu do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp, cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 92,57% vùng Đồng bằng sông Hồng; may mặc, mũ nón và giày dép bằng 85,52%; giao thông bằng 93,87%; nhóm giáo dục bằng 93,96%.
Thái Quỳnh