(Tổ Quốc) - Với 90 triệu khách hàng cùng 200,000 công ty và cửa hàng chấp thuận giao dịch mua hàng trước và thanh toán sau qua ứng dụng (tính đến thời điểm hiện tại), có thể thấy, mặc dù không hề tính toán lãi suất và phí trả chậm, song Klarna vẫn có được nguồn thu khá lớn tới từ các đối tác.
Một năm qua, trong bối cảnh dịch Covid hoành hành khắp nơi trên thế giới, nhiều người đã chịu ảnh hưởng không nhỏ khi bị giảm lương hay thậm chí là thất nghiệp. Điều này cản trở trải nghiệm mua sắm của số lượng lớn khách hàng muốn sở hữu những món đồ mới ra mắt vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Do đó, một ứng dụng dù ra mắt đã lâu, nhưng lại trở nên nổi bật trong thời gian này nhờ việc cung cấp dịch vụ “buy now – pay later” (mua trước trả tiền sau), đó là Klarna. Nhờ Klarna, nhiều người đã được sở hữu thứ mà họ mong muốn ngay cả khi không có đủ tiền ở tại thời điểm mua.
Mặc dù mới nổi lên gần đây, nhưng Klarna thực chất đã được thành lập từ giữa năm 2005 tại Thụy Điển và nhận được đầu tư chỉ 2 năm sau đó. Công ty đầu tư mạo hiểm AB Öresund nhận thấy tiềm năng lớn của Klarna và thực hiện đầu tư nhằm giúp công ty có thể vươn mình.
Năm 2010, họ chính thức bán dịch vụ của mình tại các nước Bắc Âu, bao gồm Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch. Hoạt động của công ty tương đối hiệu quả: năm 2010, họ đạt doanh thu 54 triệu USD (400 triệu SEK – đơn vị tiền tệ của Thụy Điển) và lọt vào danh sách 100 công ty công nghệ triển vọng của The Guardian, đồng thời cũng nhận được đầu tư từ một số quỹ. Công ty chính thức hiện diện tại một trong những thị trường hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ vào năm 2015, và nhận được nhiều lời khen từ những người đứng đầu tại Thụy Điển.
Không dừng lại ở đó, năm 2018, một báo cáo của Klarna cho thấy họ có hơn 60 triệu người dùng và khoảng 90.000 công ty chấp nhận hình thức mua hàng trước thanh toán sau này. H&M, Sephora và Adidas là những công ty bán lẻ tiêu biểu chấp nhận Klarna như là một hình thức giúp họ tăng doanh số bán hàng. Nhờ đó, năm 2019, họ nhận được 460 triệu USD từ nhiều tổ chức lớn, đem lại cho họ mức định giá trên 5.5 tỷ USD và trở thành doanh nghiệp fintech lớn nhất châu Âu thời điểm bấy giờ.
Cách thức hoạt động của Klarna khá đơn giản, đó là cho người tiêu dùng mua hàng trước và thanh toán sau từ 14 tới 30 ngày, tùy vào công ty bán lẻ cung cấp dịch vụ trên ứng dụng. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể sử dụng trước sản phẩm, trả lại nếu không thích và chỉ cần thanh toán cho những gì họ giữ lại.
Klarna chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng từ 30 tuổi trở xuống – những người phần nhiều chưa có được mức thu nhập ổn định nhưng lại mong muốn sở hữu sớm những món hàng mới một cách nhanh nhất. Do đó, Klarna như một cơn mưa rào sau những ngày nắng hạ với nhiều người trẻ, giúp họ có thể tham gia mua sắm trực tuyến nhiều hơn nữa.
Lợi ích từ việc sử dụng Klarna đó là bạn có thể thử sản phẩm, đổi trả và chỉ phải thanh toán cho những thứ được giữ lại (Ảnh: Henmonres)
Điểm khiến Klarna trở nên đặc biệt đó là khách hàng sẽ không bị tính lãi suất hoặc phí trả chậm cho những món đồ họ mua. Việc phê duyệt dựa trên kiểm tra tín dụng mềm (soft credit check), lịch sử tín dụng, độ tuổi và một số yếu tố khác.
Vậy Klarna kiếm tiền bằng cách nào? Họ thu phí giao dịch đối với những doanh nghiệp đối tác của mình, tùy thuộc vào phương thức giao dịch và quốc gia. Ví dụ như tại Mỹ, hình thức trả chậm trong vòng 30 ngày được tính phí cố định 0.3 USD/ giao dịch và 5.99% phí biến đổi/ giao dịch.
Với 90 triệu khách hàng cùng 200,000 công ty và cửa hàng chấp thuận giao dịch mua hàng trước và thanh toán sau qua ứng dụng (tính đến thời điểm hiện tại), có thể thấy, mặc dù không hề tính toán lãi suất và phí trả chậm, song Klarna vẫn có được nguồn thu khá lớn tới từ các đối tác.
Klarna thu lợi từ phí dịch vụ họ thu đối với những đối tác (Ảnh: Klarna)
Do việc mua hàng trước và trả tiền sau khá rủi ro, công ty cũng có những chính sách đối với các khách hàng chậm trễ trả nợ. Klarna thông báo việc không thanh toán sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của khách hàng và những tài khoản như vậy sẽ được chuyển giao cho các cơ quan thu hồi nợ nếu việc trả nợ không được thực hiện sau một vài tháng. Hành động này phần nào giúp công ty giảm thiểu được rủi ro từ những khách hàng không có ý thức.
Tuy nhiên, dịch vụ của Klarna cũng gặp phải vô vàn chỉ trích khi một số chuyên gia cho rằng ứng dụng này khuyến khích việc chi tiêu vô tội vạ, đồng thời làm hỏng lịch sử tín dụng của khách hàng trong trường hợp họ không kịp trả nợ - điều rất dễ xảy ra với những người trẻ vốn chưa có được thu nhập ổn định.
Theo một cuộc khảo sát tại Anh, 4 trong số 10 người sử dụng Klarna gặp vấn đề với việc thanh toán nợ do tiêu dùng quá mức. Việc tiêu dùng trước và trả nợ sau khiến khách hàng trở nên thiếu cẩn trọng với những quyết định sẽ ảnh hưởng tới tương lại của họ mà chủ yếu tập trung vào sự hài lòng vào thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, cơ quan Quản lý tài chính của Vương quốc Anh (FCA) đã yêu cầu những ứng dụng tương tự Klarna phải tuân theo quy định của tổ chức này, bắt đầu từ tháng 2 năm 2021.
Klarna bắt đầu bị các nhà lập pháp thắt chặt quản lý sau những điều tiếng mà họ phải chịu từ dịch vụ của mình (Ảnh: Fnlondon)
Dù vậy, Klarna vẫn nhận được tiền đầu tư từ Ant Financial vào đầu năm 2021; tới tháng 6 năm nay, họ đã huy động được 639 triệu USD từ quỹ Tầm nhìn 2 thuộc SoftBank, nâng giá trị công ty lên tới 45.6 tỷ USD. Điều đó cho thấy triển vọng của công ty trong mắt các nhà đầu tư là rất lớn, đặc biệt khi mà họ đã thể hiện được khả năng trong mùa Covid vừa qua.
Song song với sự kỳ vọng lớn lao của những nhà đầu tư, Klarna cũng bắt đầu lọt vào tầm ngắm của các nhà làm luật, khi mà ứng dụng này khiến nhiều người trẻ chi tiêu quá tay và mất khả năng trả nợ. Nếu không tìm ra giải pháp khắc phục nhược điểm này, sẽ có rất nhiều chế tài nặng nề được áp dụng và cản trở sự phát triển trong tương lai của họ.
Phạm Tiến Đạt