(Tổ Quốc) - Tuyển CEO mới, lên kế hoạch xây nhà máy mới và cải tạo nhà máy cũ để tăng sản lượng, "tấn công" thị trường miền Trung… Bánh Bảo Ngọc đang cho thấy một sự bứt phá.
Đầu tháng 2/2021, CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (Bánh Bảo Ngọc) có Tổng giám đốc mới. Ông Vũ Đức Lợi - người vừa được bổ nhiệm vào vị trí này từng là Tổng giám đốc của Bánh kẹo Hữu Nghị. Trước đó, ông Lợi đã kinh nghiệm qua các vị trí lãnh đạo tại Kimberly Clark, Mondelez Kinh Đô, Unilever Việt Nam và đạt nhiều thành tựu.
Cũng ngay đầu tháng 2, cuộc họp đại hội cổ đông bất thường của Bảo Ngọc đã thông qua việc hủy bỏ kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ lên 120 tỷ để thay bằng một kế hoạch tham vọng hơn: Phát hành tối đa 8 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ (tương đương với việc tăng vốn lên gấp đôi). Vốn huy động được sẽ dùng để nâng cao năng lực sản xuất bao gồm mua sắm máy móc cho các nhà máy đang xây dựng/ phát triển, mua đất để xây dựng nhà máy và bổ sung vốn lưu động.
Được biết, Bảo Ngọc sẽ xây dựng nhà máy tại miền trung Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển mới tại thị trường miền trung - một thị trường tiềm năng với phân khúc bánh kẹo trung cấp.
Dự kiến, nhà máy miền Trung này sẽ sản xuất 1.000 tấn sản phẩm bánh tươi/năm, đem về doanh thu 50 tỷ đồng.
Cùng với việc xây dựng nhà máy mới, Bảo Ngọc đang nâng cấp nhà máy miền bắc và miền nam để tăng sản lượng trong năm 2021. Cụ thể, nhà máy miền bắc được cải tạo để nâng công suất lên 7.500 tấn bánh tươi/năm, đem về doanh thu 400 tỷ đồng. Bảo Ngọc cũng đầu tư cơ sở vật chất và dây truyền sản xuất bánh Bông Lan trong miền nam để đa dạng hóa sản phẩm với 600 tấn bánh bông lan/năm, đem lại doanh thu 100 tỷ đồng. Nhà máy miền nam có công suất 5.000 tấn bánh tươi/năm tương đương doanh thu 250 tỷ đồng.
Cũng tại miền nam, nhà máy được đầu tư thêm dây truyền sơ chế hạt điều như hạt điều phô mai, hạt điều dừa vừng, hạt điều mật ong… với sản lượng 150 tấn/năm, có thể đem lại 100 tỷ đồng doanh thu.
Như vậy, trong kế hoạch năm 2021 của Bảo Ngọc, với sự đầu tư và cải tạo các nhà máy, công ty dự kiến có thể đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu, bao gồm 700 tỷ đồng doanh thu từ bánh tươi, 100 tỷ đồng bánh bông lan và 100 tỷ đồng doanh thu hạt điều sơ chế và 200 tỷ hạt điều xuất khẩu.
Nếu thành công, đây tiếp tục là một bước tăng trưởng bứt phá khi năm 2020, công ty đã đạt doanh thu thuần gần 597 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước.
Hiện tại, sản phẩm chiến lược bánh tươi Bảo Ngọc đã chiếm 20% thị phần thị trường miền Bắc, 10% thị phần tại miền Nam. Những người dân đô thị có thể nhìn thấy bánh mì Bảo Ngọc, bánh mì sandwich, bánh mì sừng hươu, burger Bảo Ngọc, bánh tươi Kisshu, bánh trung thu… tại mọi siêu thị lớn và các cửa hàng tạp hóa.
Bảo Ngọc đang sở hữu một hệ thống bán hàng khá hùng hậu. Năm 2019, công ty có 13.200 điểm bán hàng trực tiếp, trong đó tại Hà Nội có 1.500 điểm bán thuộc hệ thống chuỗi các siêu thị, 9.200 điểm bán qua hệ thống cửa hàng tạp hóa. Năm 2019, tại Tp.HCM, công ty phát triển gấp đôi kênh bán hàng qua siêu thị và tăng gần gấp 3 lần điểm bán qua kênh tạp hóa.
Nhưng không dừng lại ở đó, một hoạt động cho thấy sự "thức thời" với xu hướng tiêu dùng thời công nghệ 4.0 của hãng bánh này, đó là cho ra đời app Bảo Ngọc. Người tiêu dùng có thể mua bánh, mua giỏ quà Tết và cập nhật tin tức mới nhất ngay trên smartphone.
Những kế hoạch nói trên cho thấy một điều: Bánh Bảo Ngọc đang nỗ lực bứt phá để mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và tăng sức nặng của thương hiệu Bảo Ngọc đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam hơn nữa.
Trước đó, vào tháng 10/2020, Bảo Ngọc đã niêm yết 8 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Với vị thế là doanh nghiệp top đầu ngành hàng bánh tươi và hạt điều, cổ phiếu BNA giao dịch rất sôi động.
Kế hoạch nói trên có thể nói là thuận lợi trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm qua đã chứng tỏ được sức hấp dẫn với mức tăng trưởng hiếm hoi so với các nước trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam tăng lên và xu hướng đô thị hóa ngày càng mở rộng, tạo nên thói quen sử dụng các sản phẩm thực phẩm tiện lợi cho người dân trong khi mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người của người Việt chỉ chưa đến 3kg/năm - thấp hơn rất nhiều so với các thị trường khác.
Đồng thời, việc một thương hiệu bánh 30 năm tuổi của Việt Nam đổi mới và vươn lên cũng là điểm sáng lạc quan cho ngành bánh kẹo Việt - nơi mà top 5 thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất đều là doanh nghiệp nước ngoài.
Mục tiêu của Bảo Ngọc là tăng trưởng doanh thu tối thiểu 50%/năm, tầm nhìn trở thành công ty đa quốc gia.
Ánh Dương