(Tổ Quốc) - Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp, phải cần thời gian để khách hàng cũng như tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch.
Theo các chuyên gia khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì thị trường BĐS vẫn còn phải phụ thuộc trực tiếp vào diễn biến của dịch bệnh. Và hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì việc thị trường trầm lắng là điều tất yếu. Trầm lắng ở đây không có nghĩa là nhà đầu tư không có nhu cầu mà họ đang bị hạn chế các hoạt động giao dịch trực tiếp như tư vấn, tham quan dự án, tham gia các buổi bán hàng. Tâm lý của người mua BĐS đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tâm thế chung của thị trường hiện nay là chờ đợi. Với chủ đầu tư, họ chờ đợi dịch bệnh qua đi để triển khai kế hoạch bán hàng. Với khách hàng, họ chờ đợi để đa dạng hóa lựa chọn sản phẩm, để tìm hiểu kỹ dự án trước khi chốt giao dịch.
Mặc dù các giao dịch đang chững lại song một tín hiệu khả quan là chưa xuất hiện tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ giảm giá. Ngược lại, ở một số thị trường vẫn có dấu hiệu tăng giá. Điều này cho thấy, BĐS vẫn có lực hồi phục tốt sau dịch. Tuy nhiên, chu kỳ phục hồi ngắn hay dài sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm kết thúc của dịch bệnh.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Coliers Việt Nam cho hay, thị trường BĐS sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021 này trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ dù tâm lý thị trường vẫn khá tốt và chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng đang được triển khai.
Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp, phải cần thời gian để khách hàng cũng như tâm lý chung của thị trường quay trở lại trạng thái trước đại dịch.
Nhưng theo vị chuyên gia này, cũng rất quan trọng để nhấn mạnh rằng nhiều báo cáo của các tổ chức uy tín đã nhận định Việt Nam như là một "ngôi sao đang lên" của châu Á với đà tăng trưởng GDP tốt và sự ổn định chính trị.
Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã được duy trì suốt 3 thập niên, vượt qua được khủng hoảng tài chính châu Á và toàn cầu cũng như nhiều đợt dịch bệnh nghiêm trọng khác trong khu vực. Hiện Việt Nam đang nỗ lực giúp nhiều hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Sẽ rất tốt nếu các nỗ lực này được thực hiện phù hợp với tình hình mỗi địa phương.
Kinh tế Việt Nam nói chung hay các hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng có liên hệ chặt chẽ với sự tăng trưởng và thành công của thị trường các quốc gia khác, cùng với sự thành công của các chương trình tạo miễn dịch cộng đồng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy thương mại cũng như mở lại đường bay quốc tế cho du khách sẽ giúp thu hút mạnh mẽ thêm vốn đầu tư nước ngoài cũng như giúp cho tâm lý người tiêu dùng tự tin hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cũng cho rằng, sự hồi phục tâm lý vào thị trường của người mua BĐS phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình kiểm soát Covid-19. Nếu dịch kéo dài đến hết quý 3, ông Quang dự đoán nhóm nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp sẽ "đuối sức" và chấp nhận bán cắt lỗ tài sản trong giai đoạn tháng 8 - tháng 9. Đây sẽ là thời điểm mua vào tốt nhất cho những nhà đầu tư đang chờ đợi "bắt đáy thị trường".
Sự hào hứng mua vào của những nhà đầu tư mới sẽ giúp mặt bằng giá cả nhà đất quay đầu tăng trở lại chỉ khoảng một tháng sau đó. Do đó, những nhà đầu tư muốn bán bớt tài sản nên cố gắng cầm cự đến khoảng tháng 10 - tháng 11.
"Đây cũng là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục sản phẩm. Vì hiện nay bất động sản có giá rất cao và ngày càng đi xa trung tâm thành phố. Giá bất động sản cao thì khó bán mà ở qua xa thì mãi lực cũng kém", ông Quang chia sẻ.
Đây cũng là lý do, ông Quang dự báo sẽ có một "cơn sóng" bất động sản nhỏ xảy ra trong giai đoạn này. Tuy nhiên, con sóng chủ yếu là ở phân khúc đất nền vùng ven, còn bất động sản cao cấp ngay trung tâm thành phố vẫn có những khó khăn nhất định.
Còn trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đến hết quý 4, gần như tất cả nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đều chịu áp lực bán ra. Thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn "cực kỳ khó khăn". Nền kinh tế dần "mệt mỏi" sau 2 năm chống chịu với dịch bệnh, và bất động sản do đó cũng "khó mà sống được".
Dù cho rằng kịch bản thứ 2 chỉ có khoảng 30% khả năng xảy ra, nhưng theo ông Quang, các nhà đầu tư vẫn nên có sự chuẩn bị. Nguyên tắc khi đầu tư là "nhìn thấy rủi ro một, phải chuẩn bị 3". Giới đầu tư nên đảm bảo dòng tiền mặt đang nắm giữ có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng, trả lãi vay… trong 9 - 12 tháng tiếp theo.
Nếu không đủ, nhà đầu tư cá nhân nên mạnh dạn bán bớt bất động sản trong rổ hàng mình đang nắm giữ, để thu về tiền mặt. Đặc biệt, chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tối đa việc vay vốn trong giai đoạn này. Dù được chào mời những mảnh đất rất tốt với giá rẻ, cũng không nên vay tiền đến 70% - 80% giá trị tài sản để mua.
Dành lời khuyên cho người mua BĐS trong thời gian tới, ông Quang cho rằng nên hạn chế việc đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn. Các giao dịch mua nhanh bán nhanh trong 3 - 6 tháng ở thời điểm hiện tại hết sức rủi ro, do việc đi lại khó khăn cộng thêm thời gian phê duyệt giấy tờ bị kéo dài. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tập trung vào các sản phẩm dài hạn: Chọn một bất động sản tốt với giá tốt và mua để dành.
Bảo Anh