(Tổ Quốc) - Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô mới nhất của CTCK Vietcombank (VCBS), tăng trưởng GDP Quý 1 dự báo đạt 5%-5,4%. Số liệu tăng trưởng dự báo cho năm 2023 đạt 5,8% - 6,2%.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô mới nhất, VCBS nhận định, nhìn chung các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi, lĩnh vực chế biến chế tạo và khai khoáng ghi nhận giảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Điểm tích cực là chỉ số PMI tăng trở lại đạt 51,2 điểm trong tháng 2 sau 3 tháng liên tiếp dưới 50.
"Cùng với hiệu ứng tết Nguyên đán, những sự khó khăn do nhu cầu thế giới suy giảm dần được thể hiện rõ nét hơn", VCBS nhận xét.
Tuy vậy, VCBS cho hay, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định trở lại. Lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tiếp tục phục hồi, đặc biệt tại dịch vụ lữ hành, lưu trú. Cụ thể, tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu du lịch lữ hành hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, theo VCBS, giải ngân đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng tiềm năng, tác động tích cực lên tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã cho thấy nhưng quyết tâm trong đẩy mạnh hoạt động giải ngân đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên kế hoạch 700.000 tỷ đồng (+25% kế hoạch 2022) với trọng tâm vào các dự án theo chiến lược nhằm đẩy mạnh liên kết vùng tạo động lực phát triển kinh tế thể hiện qua chỉ báo vốn đầu tư thực hiện từ NSNN.
"Đây là được xem là động lực thay thế quan trọng với chỉ báo tăng trưởng trong trường hợp các động lực tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo không đạt kỳ vọng", VCBS nhấn mạnh.
Theo đó, tăng trưởng GDP Quý 1 dự báo đạt 5%-5,4%. Số liệu tăng trưởng dự báo cho năm 2023 đạt 5,8% - 6,2%.
Mức tăng lạm phát tháng 3/2023 phụ thuộc lớn vào thời điểm điều chỉnh tăng giá điện thời gian tới
Về lạm phát, báo cáo chỉ ra rằng, lạm phát cơ bản của Việt Nam vẫn ở mức cao, chủ yếu do mức tăng đến từ nhóm giao thông, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng.
Cụ thể, theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 4,31% so với cùng kỳ 2022. Nếu so với tháng 1/2023, CPI tháng 2/2023 tăng 0,45%.
Trong hai tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).
Các chuyên viên phân tích của VCBS cho biết, trong tháng 3/2023, mức tăng lạm phát phụ thuộc lớn vào lộ trình tăng giá điện vào tháng 3 hay tháng 4. Dư địa điều hành chính sách tiền tệ của NHNN giai đoạn này phần nào hạn chế. Theo đó, VCBS dự báo
Dự báo cho cả năm 2023, VCBS đánh giá, sau khi Chính phủ ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, EVN đã tính toán phương án giá bán điện năm 2023 với mức tăng có thể lên tới 15%. Theo đó, lạm phát kỳ vọng ở mức cao do lộ trình tăng giá điện, tăng lương cơ bản,… khiến NHNN nhiều khả năng duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và lạm phát dự kiến có thể đạt 4,2% - 4,5%.
Trọng Trần