(Tổ Quốc) - Báo cáo Niên giám Thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, trong số các ngành kinh tế, lao động hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân mỗi tháng trong giai đoạn 2015-2020 cao nhất.
Báo cáo Niên giám Thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, thu nhập bình quân một tháng của lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong giai đoạn 2015 - 2020. Cụ thể, mức thu nhập đã tăng từ 6,9 triệu đồng/người/tháng (2015) lên 9,5 triệu đồng/người/tháng (2020), tương đương tăng gấp 1,4 lần trong vòng 6 năm.
Xét theo từng loại hình doanh nghiệp, báo cáo cho biết, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đã tăng gấp 1,4 lần trong giai đoạn 2015-2020, từ 7,5 triệu đồng/người (2015) lên 10,5 triệu đồng/người (2020).
Cũng trong giai đoạn này, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng từ 6,2 triệu đồng/người lên 8,2 triệu đồng/người trong vòng 6 năm; trong khi đó, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước tăng từ 9,5 triệu đồng/người lên 15,3 triệu đồng/người.
Trong số các ngành kinh tế, lao động hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân mỗi tháng trong giai đoạn 2015-2020 cao nhất, lên đến 25 triệu đồng/người vào năm 2020, tăng gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân năm 2015 (15,9 triệu đồng/người/tháng).
Theo đó, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm sẽ bao gồm 3 ngành cụ thể: hoạt động dịch vụ tài chính (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội); bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội (trừ bảo hiểm xã hội bắt buộc); hoạt động tài chính khác. Đáng chú ý, lao động hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân mỗi tháng năm 2020 cao nhất trong 3 ngành, lên đến 25 triệu đồng/người, tăng gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân năm 2015.
Top 5 ngành kinh tế có thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất. Nguồn: TCTK
Sau tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, ngành có mức thu nhập bình quân mỗi tháng cao thứ hai là sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2020, thu nhập bình quân một tháng của người lao động tăng gấp 1,5 lần, từ mức 12,2 triệu đồng/người lên 18,6 triệu đồng trên người.
Đứng thứ ba là thông tin và truyền thông. Cụ thể, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong ngành này đã tăng lên mức 17,2 triệu đồng/người vào năm 2020 từ mức 12,7 triệu đồng/người năm 2015.
Hai vị trí thứ 4 và thứ 5 thuộc về ngành khai khoáng và y tế, hoạt động trợ giúp xã hội. Đối với ngành khai khoáng, thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động năm 2020 đã tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015, từ mức 10,2 triệu đồng/người lên mức 13,8 triệu đồng/người.
Còn đối với lao động làm trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhóm này đã tăng từ mức 9,2 triệu đồng/người năm 2015 lên mức 11,5 triệu đồng/ người vào năm 2020.
Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ đóng góp bao nhiêu vào GDP cả nước vào năm 2030?
Giang Anh