(Tổ Quốc) - Việt Nam có tất cả 6 cảng lọt danh sách này.
Mới đây, World Bank và S&P Global Market Intelligence đã công bố Chỉ số CPPI - chỉ số hoạt động cảng container cho 348 cảng container toàn cầu.
Trong đó, cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) của Việt Nam giữ vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan - Hàn Quốc (thứ 22).
Cụm cảng Cái Mép cũng được xếp vào nhóm cảng biển lớn với sản lượng hàng container thông qua đạt hơn 4 triệu Teu/năm.
Đặc biệt, Cái Mép vẫn tiếp tục duy trì vị trí thứ 13 (theo cách tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Những cảng khác cũng lọt top này bao gồm: Cảng Đà Nẵng (Đà Nẵng); Cảng Sài Gòn (TP. HCM); Cảng Hải Phòng (Hải Phòng); Cảng Quy Nhơn (Bình Định) và Cảng Chu Lai (Quảng Nam).
Báo cáo CPPI được xây dựng thường niên nhằm đánh giá về mức độ hiệu quả của các cảng biển trên thế giới, căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian của năm đó.
Chỉ số CPPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Ngoài ra, 2 yếu tố cũng được tính toán là yếu tố tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn) và yếu tố công nghệ thông tin - số hoá.
Dưới đây là một số của hình ảnh cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
TCIT là cảng nước sâu nằm gần ngã ba sông Cái Mép – Thị Vải, là đơn vị liên doanh giữa Tổng Công ty Tân Cảng - Sài Gòn với 3 hãng tàu lớn của nước ngoài. Cảng có tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Khi mới đi vào hoạt động năm 2011, đây là cảng trung chuyển container nước sâu đầu tiên của Việt Nam.
Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép có hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị được đầu tư hiện đại với 3 cầu tàu dài 890 mét, 3 bến sà lan dài 270 mét, bãi container rộng 55 ha với sức chứa gần 51.500 teu; 10 cẩu bờ, 22 cẩu bãi, 3 cẩu chuyên dụng cho sà lan, 76 xe đầu kéo, 5 xe nâng hàng và 5 xe nâng rỗng.
Cảng được thiết kế để đón được các tàu siêu lớn, có sức chứa trên 12.500 TEU. Trong năm 2021, cảng đã đón 350 tàu mẹ có kích thước lớn. Đặc biệt, tháng 6/2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép đã đón tàu mẹ có trọng tải lên đến 15.615 TEU.
Không chỉ đón nhiều tàu lớn, TCIT còn có khả năng bốc dỡ thần tốc lên đến 238 container giờ, tương đương gần 4 container mỗi phút. Điều này góp phần làm giảm thời gian bốc xếp, chuyển hàng, một yếu tố quan trọng giúp cụm cảng Cái Mép được xếp hạng thứ 11 thế giới về hoạt động hiệu quả.
TICT nằm cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý (khoảng 33 km), các tàu khi ra vào cảng sẽ được dẫn dắt bởi các hoa tiêu dày dạn kinh nghiệm. Trong ảnh là 2 chiếc tàu lai dắt đang đẩy tàu mẹ có trọng tải lên đến 14.0026 TEU.
Bên cạnh hoạt động vận tải, cảng cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch. Ngay cảnh cầu cảng, rừng đước vẫn được bảo tồn.
TCIT nói riêng và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nói chung giúp giảm áp lực đến cụm cảng ở thành phố Hồ Chí Minh, giúp hàng hoá của Việt Nam xuất nhập khẩu dễ dàng mà không phải trung chuyển qua một nước thứ ba.
Trong tương lại, sau khi xây dựng hoàn thiện, Gemalink có thể sẽ soán ngôi TCIT để trở thành cảng lớn nhất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với công suất 2,4 triệu TEU/năm.
Vị trí TCIT trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Thái Quỳnh - ảnh: Minh Hòa