(Tổ Quốc) - Theo Tổng cục Thống kê, với vốn đăng ký cấp mới đạt 774 triệu USD, chiếm 64,2% vốn FDI đăng ký cấp mới của cả nước, Bắc Giang hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 1/2023.
Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 1,2 tỷ USD; vốn đăng ký điều chỉnh đạt khoảng 310 triệu USD; giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 170 triệu USD.
Tổng cục Thống kê nhận định, mặc dù tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm, nhưng có một điểm tích cực là Việt Nam đã cấp mới cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 1/2022, Việt Nam thu hút được 103 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 388 triệu (USD), tăng 119,1% về số dự án và giảm 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Xét theo tỉnh, thành phố nhận vốn đầu tư, báo cáo cho biết, tính từ đầu năm đến 20/1, Bắc Giang là địa phương có lượng vốn FDI đăng ký cấp mới cao nhất cả nước, với vốn đâng ký cấp mới đạt 774 triệu USD, chiếm 64,2% vốn FDI đăng ký cấp mới của cả nước. Sau Bắc Giang, địa phương có lượng vốn FDI đăng ký cấp mới cao thứ hai cả nước là Bắc Ninh, với lượng vốn đăng ký cấp mới đạt khoảng 100 triệu USD.
Với vốn đăng ký cấp mới đạt 86,9 triệu USD, TP.HCM đứng thứ 3 cả nước về lượng vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 1/2023. Theo sau là Hải Phòng, Đồng Nai, Hưng Yên, với lượng vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 1/2023 lần lượt đạt 64,5 triệu USD; 52,8 triệu USD và 35,4 triệu USD. Ngoài ra, một số tỉnh, thành khác như Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thuộc top 10 địa phương có vốn FDI đăng ký cao nhất cả nước trong tháng 1/2023.
Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới với 50 dự án, theo sau là Hà Nội với 22 dự án.
Ngoài ra, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong số các dự án FDI được cấp mới, những dự án liên quan đến lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tỷ lệ vốn đăng ký lớn nhất, đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1%; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 660,8 triệu USD, chiếm 43,7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 606,4 triệu USD, chiếm 40,1%; các ngành còn lại đạt 244 triệu USD, chiếm 16,2%.
Đối với vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo cho hay, có 204 lượt đăng ký góp vốn với tổng giá trị góp vốn 174,1 triệu USD, giảm 60,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 78 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 150,3 triệu USD và 126 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 23,8 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 112,3 triệu USD, chiếm 64,5% giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 32,1 triệu USD, chiếm 18,4%; ngành còn lại 29,7 triệu USD, chiếm 17,1%.
Giang Anh