(Tổ Quốc) - Theo báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét theo tỉnh, thành phố nhận đầu tư, báo cáo cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2023. Trong đó, 3 địa phương có tổng vốn đầu tư vượt mốc 1 tỷ USD bao gồm: Hà Nội, Bắc Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 5 tháng đầu năm 2023, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khoảng thời gian này, Hà Nội đã cấp mới cho 146 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 48,3 triệu USD; chấp thuận điều chỉnh vốn cho 71 dự án, với số vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 200 triệu USD và chấp thuận cho 144 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương xếp thứ hai cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,14 tỷ USD, chiếm hơn 10,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Trong đó, tỉnh đã đã cấp mới cho 374 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 199,83 triệu USD; chấp thuận điều chỉnh vốn cho 121 dự án, với số vốn đăng ký điều chỉnh đạt hơn 403 triệu USD và chấp thuận cho 836 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 511 triệu USD.
Địa phương thứ 3 có lượng vốn FDI tính từ đầu năm đến tháng 5/2023 đạt hơn 1 tỷ USD là Bắc Giang. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký vào Bắc Giang đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cũng kỳ. Trong đó, tỉnh đã cấp mới cho 22 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 953,65 triệu USD; chấp thuận điều chỉnh vốn cho 11 dự án, với số vốn đăng ký điều chỉnh đạt 52,14 triệu USD và chấp thuận cho 836 lượt góp vốn mua cổ phần, với giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 540 triệu USD.
Ngoài 3 địa phương kể trên, một số địa phương khác cũng thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có thể kể đến như: Bình Dương (909 triệu USD); Đồng Nai (678,77 triệu USD), Bắc Ninh (750 triệu USD), Hải Phòng (552 triệu USD),…
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,9%) và góp vốn, mua cổ phần (65,4%).
Tính lũy kế đến ngày 20/5/2023, cả nước có 37.238 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 281,65 tỷ USD, bằng gần 62,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo địa bàn, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với hơn 56,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Bình Dương với gần 40 tỷ USD (chiếm hơn 8,9% tổng vốn đầu tư). Hà Nội là địa phương xếp với hơn 39,2 tỷ USD (chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư).
Tiếp theo là Đồng Nai (1.840 dự án còn hiệu lực), Bà Rịa - Vũng Tàu (537 dự án), Hải Phòng (1.018 dự án) và Bắc Ninh (1.908 dự án), với tổng vốn đầu tư luỹ kế lần lượt là 35,6 tỷ USD; 33,3 tỷ USD; 25,8 tỷ USD; 23,9 tỷ USD.
Giang Anh