(Tổ Quốc) - Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành hoàn thành trong quý IV/2022 và quý I/2023 tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023.
Về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP 4 tháng đầu năm 2023 của một số ngành cấp 2 tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số IIP tháng 4/2023 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn tăng là: Phú Thọ tăng 6,2%; Vĩnh Phúc tăng 6,1%; Bắc Giang tăng 5,1%; Long An tăng 4,6%; Bắc Ninh tăng 4,2%; Quảng Ngãi tăng 3,9%; Quảng Ninh và Hà Nội cùng tăng 3,3%.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước tính tăng 11,5%; vận chuyển hành khách tăng 16,6% và luân chuyển hành khách tăng 34,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 21% và luân chuyển hàng hóa tăng 17,5%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 24,6% và luân chuyển tăng 50,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 17,2% và luân chuyển tăng 19,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó một số mặt hàng xuất siêu là: Điện thoại và linh kiện 14,87 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3,20 tỷ USD; thủy sản 1,67 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,06 tỷ USD; rau quả 813 triệu USD; máy móc, thết bị, dụng cụ phụ tùng khác 591 triệu USD; dây điện và cáp điện 262 triệu USD.
Chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau dịch Covid-19 cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới trong thời gian qua nên khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2023 ước đạt 984,1 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 3.683,7 nghìn lượt người, gấp 19,2 lần so cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 19% kế hoạch, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 18,5% và tăng 10,8%), cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế thế giới.
Đặc biệt, một số nhà máy sản xuất quy mô lớn hoàn thành trong quý IV/2022 và quý I/2023 tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023 và các năm tiếp theo: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (tổ máy số 1); Nhà máy sản xuất pin Cellpin (Hà Tĩnh); Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam – Dung Quất (Quảng Ngãi).
Bên cạnh đó, còn có các Nhà máy Kodi New Materal Việt Nam, Nhà máy Fukang Technolog, Nhà máy sản phẩm nhựa công ty TNHH Toyoplas Manufacturing (Bắc Giang); Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam (Thanh Hoá); Nhà máy sản xuất sợi công ty cổ phần Texhong Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy sản xuất bao bì carton Mipak (Hải Dương); Nhà máy sản xuất thép Công ty Cổ phần ASIASTEEL (Long An)…
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 11,1%, cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới. Tính đến ngày 20/4/2023, cả nước có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký đạt 4,11 tỷ USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11,1% về số vốn đăng ký (cùng kỳ năm 2022 có 454 dự án và số vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,7% về số dự án và giảm 56,3% về vốn đăng ký).
Minh Tiến