(Tổ Quốc) - Loại "siêu thực phẩm" này được trồng rộng rãi không chỉ bởi đặc tính dễ chăm sóc mà còn bởi có rất nhiều tác dụng trong y học cũng như nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày.
Chùm ngây, một loại cây được biết đến với tác dụng không chỉ để làm thực phẩm mà còn được sử dụng trong y học. Có nhiều cách khác nhau để chế biến loại rau này như nấu canh, pha trà, xay sinh tố,... Ngoài ra dầu của nó được sử dụng cho tóc và chăm sóc da và dùng cho nấu ăn. Cây chùm ngây được ưa chuộng vì một phần lý do tất cả các bộ phận của nó từ lá, hạt, rễ và hoa đều có thể ăn được.
Cây chùm ngây là gì?
Cây chùm ngây, còn được gọi là cây dùi trống hoặc cây cải ngựa, là một trong những cây phát triển nhanh nhất trên thế giới và có khả năng chịu hạn, rất dễ trồng và chăm sóc. Chính vì vậy nó còn có tên là "Cây thần kỳ", được trồng phổ biến tại Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ. Ngoài ra, loại cây này đã được trồng khắp nơi trên thế giới.
Cách sử dụng cây chùm ngây
Tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng vùng, lá chùm ngây chủ yếu được ăn sống, luộc, hấp hoặc nấu canh. Chúng cũng được sử dụng để pha chế trà, có công dụng ngăn ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe.
Ở Ghana, các loại lá hoặc bột này được các nhà y học cổ truyền sử dụng để giúp điều trị kích ứng da, thiếu máu, nhức đầu, huyết áp, viêm nhiễm, rối loạn cương dương, tiêu chảy hoặc sốt. Nó cũng được thêm vào chế độ ăn uống để giúp chống lại tình trạng kém dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng.
Để dễ sử dụng, chùm ngây được chế biến dưới dạng bột bằng cách sấy khô và nghiền lá để bảo quản chất lượng. Mức độ zeatin trong cây ngăn chặn sự phân hủy chất diệp lục trong lá, nhờ đó các tác dụng của cây vẫn được giữ lại sau khi chế biến, việc bảo quản và vận chuyển cũng dễ dàng hơn nhiều.
Lợi ích của cây chùm ngây là gì?
Loại "siêu thực phẩm" này rất giàu vitamin A, vitamin C, kali, canxi, sắt và protein. Nó cũng chứa 8 axit amin thiết yếu, hơn 90 chất dinh dưỡng, bao gồm 46 chất chống oxy hóa khác nhau (axit ascorbic, carotenoids, flavonoid và hợp chất phenolic) và 36 hợp chất chống viêm (isothiocyanate và các dẫn xuất phenolic), có thể giúp tăng cường chức năng gan. Giống như nghệ, nó được biết là có tác dụng chữa các bệnh viêm ruột và bệnh dạ dày.
Lá chùm ngây chứa nhiều vitamin C hơn cam, nhiều magiê hơn trứng, nhiều vitamin B3 hơn đậu phộng và nhiều vitamin B2 hơn chuối, nhiều kali hơn chuối và nhiều vitamin A hơn cà rốt. Điều đó đồng nghĩa với loại rau này có tác dụng toàn diện từ cải thiện thị lực và khả năng miễn dịch đến sự chắc khỏe của của xương và làn da.
Chùm ngây cũng đã được chứng minh là giúp ổn định lượng đường trong máu và mức insulin ở bệnh nhân tiểu đường, cũng như giúp điều trị các triệu chứng và các tình trạng y tế khác liên quan đến bệnh tiểu đường .
Nếu bạn là một bà mẹ đang mang thai hoặc hiện đang cho con bú, bột từ lá chùm ngây (chứ không phải rễ hoặc hạt) được cho rằng giúp sản xuất sữa, mặc dù nó vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi. Loại rau này chứa 3 sterol thực vật giúp kích thích cơ thể sản xuất nhiều sữa mẹ hơn. Thêm vào đó, em bé hấp thụ được các axit amin và histidine trong thực vật có thể hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển.
Đối với những người ăn chay và không dung nạp lactose, lá chùm ngây có thể cung cấp nhiều canxi hơn sữa, nhiều protein hơn sữa chua và nhiều sắt hơn rau bina.
Rau chùm ngây cũng được các vận động viên sử dụng do có hàm lượng sắt và vitamin A và C cao. Hai loại vitamin này chịu trách nhiệm cung cấp oxy liên tục cho máu và ổn định lưu thông máu. Ngoài ra, các axit amin và canxi thúc đẩy sự phát triển của khối lượng cơ và các chất chống oxy hóa cung cấp sự bảo vệ bổ sung cho mô tế bào trong quá trình tăng cường hoạt động thể chất.
Ở một số cộng đồng Tây Phi, trẻ em bị suy dinh dưỡng được cho uống hỗn hợp chùm ngây và sữa thay thế để tăng cường chất dinh dưỡng, như canxi, rất quan trọng cho sự phát triển của xương và phát triển trí não. 235ml sữa chứa khoảng 300 đến 400 miligam canxi trên 100 gam, trong khi lá chùm ngây khô có thể cung cấp hơn 4.000 miligam canxi trên 100 gam.
Lưu ý
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy lượng lá chùm ngây tiêu thụ hàng ngày không nên vượt quá 70 gam - hoặc 1 muỗng canh để tránh lượng sắt dư thừa. Bên cạnh đó, có một nhược điểm là lá chùm ngây cũng chứa hàm lượng chất kháng dinh dưỡng cao, có thể làm giảm sự hấp thụ khoáng chất và protein. Nhưng vấn đề này không xuất hiện nếu chúng ta chỉ sử dụng lá tươi. Trong trường hợp bạn sử dụng dạng bột, bạn cần chú ý đến liều lượng và chú ý ăn đủ chất thì sẽ không có ảnh hưởng gì.
Nguồn: Today, Healthline
Thuỳ Anh