(Tổ Quốc) - Phó Chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương, Chủ tịch Kinh Bắc Đặng Thành Tâm hay Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng,... và nhiều gương mặt lừng lẫy trên thương trường khác đều từng nhận tấm bằng luật trước khi trở thành những gương mặt giàu nhất sàn chứng khoán Việt với số tài sản đáng mơ ước.
Với những thành tựu trong kinh doanh cũng như khối tài sản lớn đang nắm giữ, ít ai biết, những vị ''đại gia'' hàng đầu sàn chứng khoán Việt xuất phát là sinh viên luật, có người gây dựng tiếng tăm trong giới tư pháp trước khi lấn sân và ''làm mưa làm gió'' ở mảng kinh tế.
Bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup
Bà Phạm Thu Hương sinh năm 1969, nổi tiếng khi cùng chồng (Phạm Nhật Vượng) sáng lập nên tập đoàn Vingroup. Hiện bà đang giữ vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup, Thành viên HĐQT CTCP Vincom Retail, trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành của Vingroup.
Bà Hương tốt nghiệp Cử nhân Luật quốc tế tại Ukraina ở thời điểm mà không nhiều người Việt ai nhận được tấm bằng cử nhân danh giá tại nước ngoài. Trong khoảng thời gian đi du học, bà Phạm Thu Hương quen biết ông Phạm Nhật Vượng thông qua các nhóm du học sinh ở Matxcơva. Sau khi tốt nghiệp, bà Hương không quay về nước mà cùng chồng ở lại Matxcơva để lập nghiệp.
Tính đến ngày 29/3/2022, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đang sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu VIC với tổng giá trị tài sản 13.680 tỷ đồng, xếp vị trí 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và là người phụ nữ giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam.
Lần đầu tiên bà Hương xuất hiện trước công chúng là tại lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture được tổ chức vào tháng 1/2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc
Sinh năm 1964, ông Đặng Thành Tâm là người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) từ khi thành lập năm 2002 đến nay. Ngoài ra, ông hiện còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), Ủy viên Ban chấp hànhPhòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cổ đông lớn của công ty CP khu công nghiệp Tân tạo (ITA).
''Ông trùm'' ông trùm bất động sản công nghiệp này học chuyên ngành Kỹ sư Hàng hải, sau đó học thêm hai ngành luật, quản trị kinh doanh và có bằng cử nhân luật, cử nhân quản trị kinh doanh, diplomat kinh tế của trường Henley Management, Anh Quốc.
Năm 2007, khi Kinh Bắc niêm yết trên sàn chứng khoán, ông được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam. Hiện ông đứng thứ 33 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán với tổng tài sản trị giá 5.538 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI
Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962 và tốt nghiệp Cử nhân Luật. Trong giới đầu tư, ông nổi tiếng là người sáng lập CTCP Chứng khoán SSI - công ty đầu ngành trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư tại Việt Nam.
Ông hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), Chủ tịch HĐQTCông ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư NDH (NDHINVEST).
Với tổng tài sản 5.080 tỷ đồng đang sở hữu, ông Nguyễn Duy Hưng hiện là người giàu thứ 35 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC
Đứng thứ 41 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với tài sản 4.666 tỷ đồng, doanh nhân sinh năm 1975 hiện giữ nhiều vai trò gồm Chủ tịch HĐQTCông ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), Thành viên HĐQTCông ty TNHH Bất động sản SGInvest và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Luật SMiC.
Sau khi bị khởi tố, vị trí Chủ tịch FLC và Bamboo Airways của ông Quyết đã được chuyển giao lại cho ông Đặng Tất Thắng.
Là một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, hàng không và chứng khoán nhưng ông Trịnh Văn Quyết lại xuất thân từ ngành Luật với tấm bằng Cử nhân Luật tại ĐH Luật Hà Nội. Năm 2012, ông Quyết là 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh “Luật sư tiêu biểu”.
Nắm giữ khối tài sản ''khủng'' trong tay từ hệ sinh thái FLC, là chủ đầu tư nhiều siêu dự án trải dài trên khắp cả nước và tiên phong mở nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam đi quốc tế, song hiện nay, vị doanh nhân này vẫn chưa được Forbes xếp hạng trong nhóm tỷ phú của Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn C.E.O
C.E.O Group là một trong những thương hiệu bất động sản lớn tại Việt Nam với hệ sinh thái 26 công ty thành viên, vốn hóa hiện nay của doanh nghiệp là 18.271,1 tỷ đồng.
Sinh năm 1971, người đứng đầu C.E.O Group - ông Đoàn Văn Bình cũng là một Thạc sĩ Luật. ngoài vị trí cao nhất ở C.E.O, ông còn nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT tại loạt công ty khác nhau gồm CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc (CEO Phú Quốc), Công ty Cổ phần Xây dựng C.E.O (CEO Xây dựng), CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn, CTCP Phát triển nhà và đô thị Phú Quốc, Trường Cao đẳng Đại Việt.
Vị Chủ tịch này hiện đang nắm khối tài sản 4.653 tỷ đồng, là người giàu thứ 43 sàn chứng khoán.
Ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Thủy sản Nam Việt (NAVICO)
NAVICO là doanh nghiệp Việt sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 trên thế giới, ông Doãn Tới là người sáng lập công ty này, hiện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Sinh năm 1954, vị doanh nhân gốc Thanh Hóa này cũng là một Cử nhân Luật. Ông hiện là người giàu thứ 55 sàn chứng khoán với tổng tài sản 3.217 tỷ đồng.
Ông Lê Đình Vinh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Everland
Sinh năm 1972, ông Lê Đình Vinh là một Tiến sĩ Luật, hiện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Everland và là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Luật SMiC. Trước khi chuyển sang làm kinh tế, ông Vinh là một luật sư có tiếng với nhiều vai trò cao như Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường ĐH Luật Hà Nội và Phó Trưởng ban Ban thư ký Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Tài sản của ông Lê Đình Vinh hiện tương đương 768.1 tỷ đồng.
Nhuận Hoa