(Tổ Quốc) - Sau 10 năm, có những doanh nghiệp sau niêm yết ngày càng mở rộng và thiết lập kết quả ấn tượng, startup công nghệ liên tiếp được quỹ ngoại rót vốn, nhiều gương mặt được kỳ vọng trỗi dậy thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.
Khi nhắc đến các đơn vị kinh doanh ăn nên làm ra và có tốc độ phát triển vượt bậc, ai cũng nghĩ đến những cái tên đã ra đời với thâm niên hàng chục, hàng trăm năm. Tuy nhiên, có những công ty chỉ mới ra đời cách đây 10 năm đã dần khẳng định vị thế và tạo ra nhiều sự thay đổi chưa từng có trên thị trường.
Song, cũng có một vài tên tuổi khi hình thành rất được kỳ vọng, nhưng chỉ sau 10 năm đã không chứng minh được khả năng tồn tại và dần bị các đối thủ sinh sau đẻ muộn lấn lướt.
Nhiều doanh nghiệp đối lập tăng trưởng: bên không ngừng lớn mạnh, bên ''bặt vô âm tín''
Vinmec: Thành lập tháng 11/2012, Vinmec là dòng thương hiệu thứ 4 của Vingroup, sau Vincom (lĩnh vực bất động sản), Vinpearl (lĩnh vực du lịch), Vincharm (lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp).
Tính đến tháng 6/2020, tổng vốn đầu tư của Vingroup vào Vinmec đạt 6.226 tỷ đồng. Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống y tế nhưng Vinmec vẫn đóng góp rất nhỏ vào tổng doanh thu tập đoàn. Nhiều năm liền, tỉ trọng đóng góp của Vinmec vào tổng doanh thu Vingroup chỉ dao động ở mức trên dưới 2%. Năm 2021, Vinmec đạt 2.787 tỷ đồng doanh thu, chiếm 2% tổng doanh thu toàn tập đoàn, lỗ 1.264 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinmec ghi nhận 637 nghìn lượt bệnh nhân khám và điều trị trên toàn hệ thống. Hiện tại, hệ thống Bệnh viện Vinmec gồm 7 bệnh viện đa khoa quốc tế và 3 phòng khám quốc tế.
ACV: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Airports Corporation of Vietnam – ACV) được thành lập tháng 2/2012 trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty: Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam.
ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 Cảng hàng không trong cả nước, bao gồm 09 Cảng hàng không quốc tế và 13 Cảng hàng không nội địa; góp vốn vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết.
Niêm yết từ năm 2016, đến năm 2021, ACV nằm trong top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt. Với thị giá cổ phiếu ACV hiện tại ở mức 81.000 đồng/cp, vốn hóa ACV đang là 176.000 tỷ đồng, khoảng 7,6 tỷ USD.
Tuy ACV có mức vốn hóa cao nhưng doanh thu đạt được năm 2021 chỉ ở mức vô cùng khiêm tốn, giảm xuống còn hơn 4.700 tỷ đồng - mức thấp nhất trong một thập niên do ảnh hưởng của Covid-19.
FPT Shop: Cùng với Nhà thuốc Long Châu, FPT Shop là đơn vị thuộc FPT Retail ghi nhận mức tăng trưởng mạnh năm ngoái nhờ nhu cầu laptop, smartphone lớn mùa dịch. Tổng doanh thu của FPT Shop tăng 38%, lên hơn 18.500 tỷ đồng, bình quân hơn 50 tỷ mỗi ngày.
Năm 2016, FPT Shop cũng là đơn vị có hiệu quả kinh doanh trên mỗi diện tích mặt sàn ấn tượng nhất trong nước. Năm 2019, FPT Retail tiếp tục duy trì vị trí top 3 Nhà bán lẻ uy tín nhất Việt Nam.
Kết thúc năm 2021, số lượng cửa hàng của FPT Shop đạt 647, tăng thêm 52 cửa hàng so với đầu năm. Ngoài ra, năm 2021, mảng laptop của FPT Shop thu về 5.700 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020. Theo GfK, trong tháng 11/2021, FPT Shop giữ vững vị thế là nhà bán lẻ laptop số 1 thị trường khi chiếm 35% thị phần.
Năm 2021, FPT Retail đạt 22,495 tỷ đồng doanh thu thuần và 444 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 53% và gấp 17.8 lần năm 2020.
Hiện vốn hóa trên sàn của FPT Retail đạt gần 9.000 tỷ đồng, tương đương gần 400 triệu USD.
PEGA (HKBike): PEGA (tiền thân là HKbike) nổi lên như một bước đột phá mới trong ngành sản xuất xe 2 bánh của Việt Nam, khi lần đầu tiên có một sản phẩm xe 2 bánh được thiết kế bởi người Việt, trí tuệ Việt và được sản xuất tại Việt Nam.
Năm 2020, đây là thương hiệu xe điện đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu đơn hàng 70 tỷ đồng đi quốc tế. Đến nay, PEGA đã mở rộng được hệ thống phân phối chính hãng lên đến 250 showroom có diện tích từ 100 – 350m2 được đặt tại các khu vực trung tâm của các thành phố lớn trên toàn quốc. PEGA có nhà máy lắp ráp rộng 15.000m2 tại Bắc Giang với công suất thiết kế đạt 40.000 xe/tháng.
Gmobile: Tháng 9/2012, Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile) chính thức công bố thương hiệu mới Gmobile, thay thế và chấm dứt việc sử dụng thương hiệu Beeline tại Việt Nam.
Những năm qua, thuê bao của nhà mạng này liên tục phản ánh tình trạng bị mất sóng, tổng đài không hỗ trợ. Theo đại diện Gtel Mobile, do Covid-19, đồng thời quá trình chờ phê duyệt tái cơ cấu của Chính phủ kéo dài, công ty bắt buộc phải tinh giản tối đa bộ máy, thu hẹp các kênh phân phối cũng như tạm dừng hoạt động một vài trung tâm chăm sóc khách hàng tại các tỉnh, thành.
Từ nhiều năm nay, Gmobile cũng đã không còn thực hiện bất cứ một hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ mới nào, giao diện website sơ sài còn bài đăng gần nhất trên fanpage cũng đã từ tháng 10/2019. Các chuyên gia cho rằng nhà mạng này đang kinh doanh rất khó khăn và có lượng thuê bao rất thấp.
Liên tục được quỹ ngoại rót vốn, loạt startup được kỳ vọng trỗi dậy thành kỳ lân tiếp theo
Zalo: Zalo được phát triển và phát hành bởi công ty cổ phần VNG. Ở thị trường trong nước, Zalo hiện vẫn duy trì vị thế ứng dụng nhắn tin hàng đầu với hơn 70 triệu người dùng. Theo báo cáo của Desicion Labs, trong quý I/2022, khoảng 24% người dùng ưu tiên Zalo như là phương tiện liên lạc phổ biến.
Mới đây, thông tin nền tảng Zalo chính thức ra mắt gói dịch vụ trả phí dành cho doanh nghiệp đã khiến nhiều người dùng cho rằng ứng dụng này có thể sẽ thực hiện thu phí người dùng cá nhân trong tương lai gần.
Tăng trưởng chủ yếu dựa vào Zalo là nguồn thu chính, vào tháng 8/2021, Bloomberg đưa tin VNG cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Thương vụ này có thể định giá VNG ở mức 2 – 3 tỷ USD.
Năm 2022, VNG lên kế hoạch đạt gần 10.200 tỷ đồng doanh thu. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 33% so với doanh thu thực tế năm trước, tuy nhiên lại đặt chỉ tiêu lỗ sau thuế cả nghìn tỷ.
Giao Hàng Nhanh: Giao Hàng Nhanh (GHN) là startup tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực e-logistics, thuộc hệ sinh thái Scommerce.
GHN đã phủ sóng 100% ở 63 tỉnh thành, sở hữu mạng lưới giao nhận đến cả những hải đảo xa. Hiện GHN là đối tác chiến lược của Tiki, Shopee, Lazada, Sendo với hơn 10.000.000 đơn hàng được giao thành công mỗi tháng
Năm 2018, công ty này nhận vốn đầu tư từ Olympus Capital Asia và đến cuối năm 2019, Temasek đầu tư hơn 100 triệu đô la Mỹ vào Scommerce. Là gương mặt nòng cốt của Scommerce, quý I/2022, GHN tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 2 con số và nhận được nhiều kỳ vọng trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam trong thời gian tới.
Sendo: Là một trong 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay, Sendo hoạt động dưới sự bảo trợ của FPT Shop. Cuối tháng 11/2019, Sendo huy động được thêm 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C. Sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo. FPT hiện vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài khác.
Tuy nhiên từ nửa cuối năm 2020 đến nay, Sendo chưa thông báo thêm bất kì vòng gọi vốn nào thành công. Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice Group cho thấy, trong quý 4/2021, Sendo đang tăng trưởng chậm. Sàn TMĐT này chỉ còn 4,9 triệu lượt truy cập mỗi tháng, giảm tới 56% so với cùng kì năm 2020.
Nhiều năm qua, startup này cũng liên tục ghi nhận lỗ lớn. Riêng 2020, Sendo lỗ gần 1.100 tỷ, Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Sendo là hơn 3.900 tỷ.
Chợ Tốt: Chợ Tốt ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2012, trực thuộc 701Search - công ty liên doanh giữa Press Holdings (Singapore), Schibsted và Telenor (Na Uy). Năm 2019, Telenor đầu tư vào Carousell, đồng thời thực hiện sát nhập 701Search với Carousell. Theo đó, Chợ Tốt trở thành thương hiệu thuộc sở hữu của Carousell - đơn vị vừa trở thành kỳ lân công nghệ mới ở Đông Nam Á vào tháng 9/2021.
Đến nay, trang mua bán, rao vặt trực tuyến Chợ Tốt có hơn 10 triệu người truy cập mỗi tháng, chuyên mua bán và kết nối dịch vụ từ bất động sản (Chợ Tốt Nhà), xe cộ (Chợ Tốt Xe), đồ điện tử, đồ gia dụng, thú cưng...
JupViec.vn: JupViec.vn hiện tạo ra việc làm cho hơn 3.000 lao động giúp việc, đáp ứng nhu cầu của hơn 200.000 Khách hàng, phục vụ tại 8 tỉnh thành trên cả nước.
Năm 2019, startup này nhận tài trợ từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với dự án "Ứng dụng công nghệ Blockchain" và là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt Top khởi nghiệp toàn châu Á tại Echelon Asia Summit 2019.
Tháng 3/2020, STI Holdings đã hoàn thành khoản đầu tư chiến lược vào nền tảng dịch vụ JupViec, trở thành cổ đông tổ chức lớn nhất của startup này. Giá trị của khoản đầu tư không được tiết lộ. Ngoài ra quỹ đầu tư Nhật Bản Cyberagent Capital và quỹ tác động Patamar Capital cũng đã đầu tư vào JupViec.vn.
Nhuận Hoa