(Tổ Quốc) - "Ta chia sẻ những khoảnh khắc vui buồn, ta lưu giữ kỷ niệm trên Facebook. Ta khoe được món đồ vừa mua, chuyến du lịch vừa đi trên Facebook. Ta tìm được những người bạn tưởng chừng đã thất lạc từ lâu trên Facebook. Và ta cũng có thể tìm được cả bạn đời, trên Facebook. Trên hết là ta không mất một đồng nào cả. Facebook tuyệt vời!" - có thật thế không?
Ta thất bại trong việc từ bỏ Facebook
Facebook có ích cho cuộc sống của chúng ta không? Chắc chắn là có, vậy nên ta mới dùng Facebook.
Ta chia sẻ những khoảnh khắc vui buồn, ta lưu giữ kỷ niệm trên Facebook. Ta khoe được món đồ vừa mua, chuyến du lịch vừa đi trên Facebook. Ta tìm được những người bạn tưởng chừng đã thất lạc từ lâu trên Facebook. Và ta cũng có thể tìm được cả bạn đời, trên Facebook.
Nhưng nó có cần thiết đến mức ta không thể từ bỏ? Có lẽ là không hẳn, vì trước khi có Facebook thì mọi chuyện có vẻ vẫn rất ổn. Thậm chí, nhiều người còn nhận thức được rằng, mình đã tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, đã mua quá nhiều thứ không cần thiết vì mạng xã hội. Vậy lý do khiến rất nhiều người thất bại trong việc từ bỏ mạng xã hội này là gì?
Vox chỉ ra ba lý do cho việc này. Thứ nhất, tất cả các ứng dụng, và các nền tảng truyền thông xã hội mà chúng ta sử dụng, đang được kết nối và tương tác với nhau. Có bao nhiêu ứng dụng của bạn không được đăng ký bởi tài khoản Facebook, hay ít nhất là Google?
Trên thực tế, nhiều ứng dụng dành cho thiết bị di động và web thực sự yêu cầu phải bạn phải có tài khoản Facebook để đăng ký sử dụng. Nếu bạn xóa tài khoản Facebook của mình, bạn có thể ngay lập tức mất quyền truy cập vào một số ứng dụng khác trên Internet.
Thứ hai, đối với nhiều người, sử dụng Facebook thường xuyên gần như là bắt buộc đối với công việc của họ. Facebook đang trở thành kênh vô cùng hữu hiệu trong việc quảng bá, phân phối thông tin. Các doanh nghiệp, hay bất kỳ ai có thương hiệu cá nhân đều phải có mặt trên Facebook, nếu như họ muốn được biết đến rộng rãi.
Thứ ba, Facebook như một sợi dây hữu hình kết nối nhiều người với những người xung quanh. Nếu bạn xóa tài khoản Facebook, bạn cũng sẽ mất cách để liên lạc với khá nhiều người. Hãy kiểm tra lại, xem có người bạn nào mà bạn chỉ kết nối thông qua Facebook, mà không có số điện thoại di động của họ không? Hẳn là sẽ có đấy.
Sẽ có những lập luận rằng, Facebook vẫn thật sự tuyệt vời, vì nền tảng này hỗ trợ ta quá nhiều thứ mà lại không thu lấy một đồng đăng ký tài khoản.
Nhưng chắc chắn, không có gì là miễn phí. "If you’re not paying for the product, then you are the product (Tạm dịch: Nếu bạn không phải trả tiền cho món hàng, thì bạn chính là món hàng)".
Rõ ràng, Facebook - cũng như rất nhiều nền tảng công nghệ khác như Youtube, Tiktok - vẫn đang làm lợi trên hàng tỷ người dùng của mình bằng cách thức rất đơn giản - mà ai cũng biết: bán quảng cáo.
Tại sao họ bán được quảng cáo? Vì người dùng dành rất nhiều thời gian cho Facebook. Lý do chính khiến ta dùng Facebook là gì? Ta tạo ra nội dung, và tiêu thụ nội dung và kết nối với mọi người thông qua nội dung đó.
Doanh nghiệp thất bại trong việc cạnh tranh với Facebook
Sự thất bại của người dùng trong việc từ bỏ Facebook, cũng chính là sự thất bại của doanh nghiệp công nghệ, trong việc cạnh tranh với Facebook, cũng như các nền tảng xuyên biên giới khác, trên lĩnh vực nội dung số.
Góc nhìn về nội dung số, là góc nhìn khá khác để tiếp cận kinh tế số và rất ít người nhìn nền kinh tế số ở góc độ này. Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp chia sẻ: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên nội dung số. Chúng ta mua hàng như thế nào? Chúng ta nhìn thấy sản phẩm, chúng ta mua. Chúng ta đọc một bài viết về sản phẩm, chúng ta mua. Chúng ta tương tác với một bài đăng nào đó, chúng ta mua. Trước đây, việc này diễn ra ngoài đời thực, giờ đây, mọi thứ diễn ra trên môi trường mạng".
Thậm chí, các công ty tưởng chừng như không liên quan đến nội dung số, như Apple, Microsoft, Amazon... thì đều không tránh khỏi liên quan đến nội dung số.
"Đa phần doanh thu của Apple đến từ các nhà phát triển nội dung số có mặt trên Apple. Amazon cũng phải có Amazon Prime để phát triển người dùng" - ông Tân giải thích và nói thêm - "như thế, các công ty tương lai, các nguồn lực đổi mới trong tương lai không thể tránh khỏi việc liên quan đến nội dung số. Những thuật ngữ như big data, AI, cloud computing... những công nghệ lõi của kỷ nguyên này, xuất phát từ những công ty liên quan đến nội dung số, chứ không phải công ty truyền thống".
Vậy nếu chúng ta muốn tích lũy nguồn lực cốt yếu cho nền kinh tế số trong tương lai, chúng ta cần có nền tảng nội dung số. Việc doanh nghiệp xuyên biên giới có thể dễ dàng vào thị trường Việt Nam, cũng đồng nghĩa doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng ra thế giới, và làm lợi cho nền kinh tế.
"Nhưng nói thẳng, chúng ta đang thua trên sân nhà", ông Tân thẳng thắn thừa nhận.
Chúng ta đã thua như thế nào trước Facebook, Tiktok, Tencent, NetFlix? Nếu nhìn trước góc độ nội dung, ông Tân đánh giá, họ là những "siêu ứng dụng", "siêu báo", "siêu truyền hình", "siêu nội dung", "siêu rạp phim"... Trên Tiktok hiện nay có rất nhiều người làm tin tức ngắn gọn trong vòng 30 giây đến 1 phút.
"Facebook thì cả VTV24 cũng lên, các trang thông tin của Nhà nước cũng có mặt để công bố thông tin, các báo, người dùng cá nhân, người nổi tiếng cùng hiện diện đóng góp nội dung, lôi kéo người dùng" - ông Tân nói. "Việt Nam thì sao? Chúng ta quá đơn lẻ. Chúng ta không có siêu ứng dụng, không có siêu nội dung, không có siêu truyền hình, vì chúng ta không được cấp phép để làm. Người có nội dung thì không có công nghệ để làm, người có công nghệ thì không được làm, mỗi người chỉ được làm một thứ nên chúng ta không làm được, chứ không phải không biết làm".
Để xây dựng công nghiệp nội dung số, ông Tân cho rằng, yếu tố cốt lõi là biết cách làm. Nội dung, tiền bạc, số lượng người sử dụng, công nghệ... chúng ta có rất nhiều, nhưng nền tảng để kết nối, liên thông lại không có. Dẫn đến việc chúng ta thua ngay trên sân nhà. Khi thua, ta mất cơ hội kinh tế trong nước, một năm hàng tỷ USD, ta cũng mất các công ty mạnh trong nước và mất cơ hội xuất khẩu xuyên biên giới về nội dung số. Về mặt truyền thông, chúng ta mất khả năng đối trọng.
"Tất nhiên, chúng ta thua nhưng chưa chết. Hy vọng còn rất lớn" - ông Tân nói.
Nội dung số của Việt Nam, theo ông Tân, đã đủ thực lực để cạnh tranh.
Về nội dung, ông Tân đánh giá, tổng nội dung do các nền tảng Việt Nam phát triển chiếm 80% nội dung sản xuất của Việt Nam và chiếm khoảng 60-70% độc giả. Về các công ty công nghệ sở hữu nền tảng quảng cáo bằng công nghệ và hệ thống phân phối nội dung đang chiếm 1 tỷ USD doanh thu, 50.000 nhân sự và công nghệ tự phát triển, làm chủ.
"Tất nhiên chúng ta không bằng được Mỹ, nhưng khoảng cách chỉ khoảng 3 năm" - ông Tân đánh giá.
Song, các công ty công nghệ Việt kém về nội dung, vì không được phép làm. Trong khi, các tổ chức về nội dung lại quá kém về công nghệ. Họ có nội dung nhưng không thể tự phát triển nền tảng, doanh thu lại yếu nên không thể tự đầu tư phát triển thành lực lượng mạnh.
Do đó, tuy tổng lực lượng là lớn, nhưng lại phân tán và thiếu nền tảng mạnh như Facebook.
Theo CEO VCCorp, hiện nay, các lĩnh vực liên quan đến nội dung số vẫn đang được cấp phép "xé lẻ", mỗi một đơn vị tổ chức thu hẹp trong một phạm vi nhỏ và khó thu hút người dùng, do đó ta thua.
Vậy làm thế nào để thắng?
Về góc độ chính sách, theo CEO Nguyễn Thế Tân, riêng các cơ quan báo chí không thể chiến thắng cuộc chiến nội dung số, thậm chí còn có nguy cơ ngày càng yếu thế. Vì vậy, nếu muốn thắng cuộc chiến này, để giữ lợi ích kinh tế, đối trọng về truyền thông, thì phải huy động toàn bộ hệ sinh thái nội dung tham gia vào cuộc chiến.
Theo đó, quan trọng nhất là phải phá rào cản phát triển bằng cách thay đổi việc đầu tư, quản lý trong lĩnh vực nội dung số, sử dụng yếu tố kinh tế để quản lý nội dung số, xây dựng cơ chế hợp tác công tư, đa bên, đa thành phần.
"Tất nhiên, toàn bộ những việc này vẫn phải đảm bảo định hướng Nhà nước và đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông" - ông Tân khẳng định - "nhưng sử dụng sức mạnh của mọi tổ chức xã hội, để tham gia cuộc chiến bảo vệ chủ quyền thông tin, đặc quyền kinh tế và xây dựng tương lai tốt đẹp cho chúng ta trong nền kinh tế số".
Hoàng Hà