(Tổ Quốc) - Ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cạnh tranh tương đối quyết liệt với nhiều doanh nghiệp quy mô doanh thu trên 500 triệu USD mỗi năm.
CTCP Masan MEATLife đang có kế hoạch tách riêng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đồng thời muốn đẩy mạnh đầu tư mở rộng mảng kinh doanh thịt mát với nhiều dư địa.
Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đóng góp trên 80% doanh thu của Masan MEATLife được quản lý vận hành thông qua công ty MNS Feed.
MNS Feed sở hữu một hệ thống 13 nhà máy công suất gần 3,3 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, với nền tảng hình thành từ việc thâu tóm Anco và Proconco từ năm 2015.
Năm 2020, thức ăn chăn nuôi đóng góp 13.746 tỷ đồng doanh thu cho Masan MEATLife và 950 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong những năm gần đây, Masan MEATLife có lãi chính nhờ mảng kinh doanh này.
Mặc dù có doanh thu tương đối lớn, nhưng Masan MEATLife chìm trong danh sách rất nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam có quy mô ngang ngửa, thậm chí là tốt hơn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.
Vị trí số một trong ngành thức ăn chăn nuôi thuộc về CP Việt Nam với doanh thu hơn 21.100 tỷ đồng năm 2020. Công ty Thái Lan cũng rất thành công với mảng chăn nuôi heo, năm ngoái thu về hơn 56.200 tỷ đồng doanh thu nhờ giá heo ở mức cao.
Cagrill Việt Nam ở vị trí thứ hai doanh thu gần 17.200 tỷ đồng. CJ Vina Agri doanh thu hơn 15.900 tỷ đồng. Nhóm kế tiếp có quy mô ngang ngửa với MNS Feed, gồm Japfa Comfeed Việt Nam 13.800 tỷ đồng, De Heus gần 12.800 tỷ đồng.
Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn khác gồm cả GreenFeed doanh thu 10.700 tỷ đồng, Uni – President Việt Nam 10.600 tỷ đồng, Sheng Long Bio – Tech 8.800 tỷ đồng…
Cũng phải nhắc đến nhóm các nhà máy, như của New Hope (một trong những nhà sản xuất 3F lớn nhất Trung Quốc) có tổng doanh thu khoảng 8.800 tỷ đồng. Nhóm nhà máy của ANT – Asia Nutrition Technologies tổng doanh thu hơn 9.100 tỷ đồng. Nhóm Sao Mai Group sản xuất thức ăn cá tra doanh thu gần 7.100 tỷ đồng.
Quay trở lại với Masan MEATLife, doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi của công ty này đi ngang trong giai đoạn 2019 – 2020. Trong 6 tháng đầu năm nay thu về gần 8.400 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lợi nhuận lại chỉ tăng 8%.
Một đặc điểm với ngành kinh doanh thức ăn chăn nuôi là phụ thuộc lớn vào ngành chăn nuôi, đặc biệt với các sản phẩm dành cho heo. Trên thực tế, nhu cầu thức ăn chăn nuôi đã giảm rất mạnh trong quãng thời gian diễn ra dịch tả heo châu Phi khiến tổng đàn heo sụt giảm theo. Trong hơn một năm trở lại đây việc chăn nuôi heo mới có thể phục hồi kéo theo nhu cầu về thức ăn tăng trở lại.
Hứa Vân