(Tổ Quốc) - Theo Cục Thống kê TP.HCM, do các vấn đề liên quan đến việc huy động nguồn lực dẫn đến dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chậm tiến độ so với kế hoạch. Do đó, Thành phố điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công dự án.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Cục Thống kê Thành phố TP.HCM, thành phố đã cập nhật tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm. Cụ thể, đối với Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), báo cáo cho biết, do các vấn đề liên quan đến việc huy động nguồn lực dẫn đến dự án chậm tiến độ so với kế hoạch, Thành phố điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên vào cuối quý IV/2023.
Khởi công tháng 8/2012, Metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Đây là tuyến metro đầu tiên ở TP HCM, với ba ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
Ngày 21/12/2022, đã chạy thử đoàn tàu ba toa dài hơn 61m qua 5 nhà ga trên cao với hành trình gần 9 km, Tàu khởi hành từ ga Suối Tiên, sau đó đi qua ga Đại học Quốc gia, Công nghệ cao và kết thúc tại ga Bình Thái, thành phố Thủ Đức
Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương: Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85,45% (501/586 trường hợp), dự kiến đến quý II/2023 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: Ban Chỉ huy dự án tổ chức đi thực địa trực tiếp đến các địa bàn để rà soát tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường); đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp để khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, Quý IV/2022, UBND TP. HCM đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngân sách năm 2022, cụ thể kế hoạch vốn đầu tư công được UBND Thành phố triển khai năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài) là 43.490,6 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 12 năm 2022 đạt 3.492,5 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 12 tháng năm 2022, vốn đầu tư ước thực hiện 30.013,1 tỷ đồng, đạt 67,3% so với kế hoạch năm và tăng 43,5% so với cùng kỳ. Trong đó:
Theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dưng cơ bản ước thực hiện 29.070,1 tỷ đồng, đạt 69,1% so với kế hoạch và tăng 41,3% so với cùng kỳ; vốn sửa chữa lớn đạt 66,1% so với kế hoạch và tăng 70,3% so với cùng kỳ.
Theo cấp quản lý: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước thực hiện 29.653,4 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện 943,0 tỷ đồng, tăng 62,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước thực hiện 8,3 tỷ đồng, tăng 154,1%.
Ước tính tính đến hết tháng 12 năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 68% so với kế hoạch (tương đương giải ngân được 25.475,7 tỷ đồng).
Sang đến năm 2023, để Thành phố giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, TP.HCM sẽ tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân 5 dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng: Dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài.
Giang Anh