(Tổ Quốc) - Petroland sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1/2022 để thực hiện các thủ tục từ nhiệm và bầu bổ sung các thành viên HĐQT, đồng thời công bố kế hoạch phát triển trong 10 năm tiếp theo.
Đại diện CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, mã chứng khoán PTL) cho biết, HĐQT của doanh nghiệp này đã thông qua nội dung rút khỏi HĐQT, ban kiểm soát của 1 số thành viên, vốn là những cổ đông thuộc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Trước đó, PVC đã thoái vốn toàn bộ hơn 36 triệu cổ phiếu Petroland (tương đương 36,01% số cổ phần) kể từ ngày 03/12 theo hình thức khớp lệnh liên tục trên sàn.
Ông Nguyễn Tấn Thụ, Chủ tịch HĐQT Petroland khẳng định việc từ nhiệm này không ảnh hưởng nhiều đến quản trị, điều hành cũng như hoạt động kinh doanh của Petroland. Tất cả đều đang nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Không những vậy, sau khi tái cơ cấu, Petroland sẽ có đội ngũ HĐQT và ban kiểm soát đủ tầm để đưa công ty đi lên với tham vọng trở thành một trong những công ty tư nhân hàng đầu trong lĩnh lực đầu tư tài chính, bất động sản, quản lý vận hành cho thuê...
"Tổng hành dinh" của Petroland tọa lạc số 12 Tân Trào, P. Tân Phú, Quận 7, TP.HCM
Cùng với việc chấp nhận từ nhiệm của một số thành viên HĐQT, Petroland công bố thông tin về cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sẽ diễn ra trong tháng 1/2022 để thực hiện các thủ tục từ nhiệm và bầu bổ sung các thành viên HĐQT nhằm bảo đảm số lượng và cơ cấu đúng theo điều lệ công ty.
Trong ĐHĐCĐ bất thường này, lãnh đạo Petroland cũng sẽ thông tin về việc tái cấu trúc doanh nghiệp, hoạch định chiến lược phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hướng đến mục tiêu 10.000 tỷ vốn hóa thị trường vào năm 2023. Được biết, Petroland đang ráo riết lên kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu trong thời gian tới. Tất cả những nội dung này đều được ban hành trong nghị quyết bổ sung tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào đầu năm tới.
Chủ tịch HĐQT Petroland chia sẻ: "Ngay khi PVC thoái vốn, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ Petroland đang sở hữu tiềm năng và cơ hội phát triển rất hấp dẫn. Trong đó, các nhà đầu tư mới đặc biệt quan tâm đến chủ trương xây dựng, phát triển Petroland theo mô hình công ty tư nhân hàng đầu trong lĩnh lực đầu tư tài chính, bất động sản, quản lý vận hành cho thuê... vào 10 năm tới. Dự kiến, các nhà đầu tư mới hoàn tất việc rót vốn vào đầu và giữa năm sau".
Phối cảnh chung cư Petroland quận 2, TP.HCM, một trong những dự án do Petroland xây dựng và phát triển, gồm 18 tầng và 380 căn hộ.
Vị Chủ tịch HĐQT cũng bày tỏ, tập thể Ban lãnh đạo công ty nhận thức sâu sắc về trách nhiệm quan trọng của mình hơn bao giờ hết. Ban lãnh đạo cũng như HĐQT đang nỗ lực hết mình, phát huy tối đa năng lực, vai trò trách nhiệm để đồng hành cùng Petroland tiếp bước phát triển bền vững, xứng đáng với kỳ vọng của toàn thể CBNV, cổ đông, đối tác, khách hàng trong nước và quốc tế.
Được biết, Petroland đã họp HĐQT và ra nghị quyết thông qua báo cáo phương án hủy bỏ chủ trương hủy niêm yết tự nguyện trước đó và sẽ tiếp tục niêm yết mã chứng khoán PTL trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Theo HĐQT Petroland, tình hình thị trường đang rất khả quan, đồng thời vốn hóa công ty đang ngày càng được cải thiện nên việc duy trì mã PTL trên sàn HoSE sẽ là giải pháp tối ưu để bảo vệ lợi ích cổ đông.
Bên cạnh đó, Petroland sẽ sớm triển khai các dự án đang dở dang, đồng thời đẩy mạnh hợp tác đầu tư toàn diện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng mở rộng quỹ đất trung, dài hạn lên đến 1.000 ha tại nhiều khu vực đã và đang được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng trên cả nước.
Cuối năm 2021, Petroland liên tục công bố thông tin mới về cơ cấu cũng như chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Cùng lúc đó trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTL của Petroland được giao dịch thỏa thuận khủng, với thị giá tăng mạnh liên tiếp trong nhiều phiên, có lúc lên đến 15,900 đồng/cp.
Ánh Dương