(Tổ Quốc) - Ngày 28/4, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Rạng Đông đã chia sẻ về hành trình đã qua và những thay đổi bước ngoặt trong hoạt động của công ty.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công ty và 57 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty, công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức: “Diễn đàn chuyển đổi số - doanh nghiệp công nghiệp truyền thống – con đường phát triển của Rạng Đông” sáng 28/4 tại tại Hội trường lớn, tầng 2 Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan ban ngành trung ương, UBND thành phố Hà Nội, đại diện các Viện và trường Đại học hiện đang hợp tác với doanh nghiệp, các khách hàng, đối tác, cơ quan truyền thông và hơn 2000 CBCNV Rạng Đông.
Bước ngoặt từ công ty công nghệ sang công ty công nghệ cao
Phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ký kết nhiều FTA thế hệ mới và Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 chính thức khẳng định nhân loại bước vào thời kỳ I – 4.0, Rạng Đông đã có những thay đổi bước ngoặt.
"Đại hội Đảng bộ Công ty nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã quyết định tiến hành công cuộc tái cấu trúc toàn diện Công ty, thực hiện 3 đột phá chiến lược: Chuyển từ tập trung vào sản xuất sang định hướng thị trường, phụng sự khách hàng; Chuyển từ Công ty Công nghệ sang Công ty Công nghệ cao thời I – 4.0; và xây dựng tổ chức chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên nghiệp và học tập suốt đời", ông Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng.
Nhằm đạt những mục tiêu tham vọng, Rạng Đông đã thành lập Tổ chuyên gia Tư vấn về Xây dựng và Quản trị Chiến lược hiện đại. Ngoài ra, Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông được thành lập từ tháng 4/2011 do PGS/TS Đỗ Xuân Thành, Nguyên Viện phó Viện Khoa học vật liệu – VAST làm Giám đốc Khoa học, PGS/TS Lê Văn Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Điện HUST làm Phó giám đốc Khoa học được giao thêm nhiệm vụ đưa ¾ lĩnh vực I - 4.0 (Lĩnh vực Vật lý – Vật liệu, lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực năng lượng tái tạo) phát triển các sản phẩm mới của Công ty.
Hiện thực hóa bằng con số, Rạng Đông đặt mục tiêu chiến lược 5 năm (2016 - 2020), doanh thu đạt ngưỡng 4.000 tỷ tăng 1,5 lần năm 2015, NSLĐ đạt 2 tỷ đồng/người/năm tăng 2 lần 2015. Kế hoạch này được hoàn thành sớm 1 năm. Năm 2019 đã đạt doanh thu 4.256 tỷ, NSLĐ đạt 2,07 tỷ đồng/người/năm.
Chính nhờ thành tựu này, Rạng Đông quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngày 1/7/2019, Công ty quyết định thành lập Ban Xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số Công ty giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030; Thành lập Tổ chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi số....
Theo ông Thăng, dự thảo Chiến lược Chuyển đổi số của Rạng Đông ra đời trong giai đoạn nhà máy Rạng Đông bị cháy ngày 28/8/2019. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả, Rạng Đông tiếp tục theo đuổi tham vọng số và coi đó là động lực lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong những điều kiện mới.
"Bước vào năm 2020 Công ty chính thức tiến hành khẩn trương, đồng bộ từng bước xây dựng các nền tảng, các trụ cột Chuyển đổi số trên cả ba khối công nghệ, quy trình, tổ chức và con người đề ra trong chiến lược", ông Thăng cho biết.
Chuyển đổi số phải bắt nguồn từ con người
Là một doanh nghiệp thời "tiền Internet", quá trình chuyển đổi ở Rạng Đông có sự đóng góp không nhỏ từ "các nguồn tri thức" từ Tổ chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi số, LED Lighting R&D Center, Digital R&D Center. Đây đều bao gồm các chuyên gia hàng đầu từ Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều Viện – Trường đã hợp tác với Rạng Đông nhiều năm.
"Chúng tôi luôn xác định rằng khi triển khai Chuyển đổi số, công nghệ không phải là câu trả lời mà con người và sự chuyển đổi chính là câu trả lời, là yếu tố tiên quyết dẫn đến sự thành công của chuyển đổi số", ông Thăng chia sẻ.
Hiện tại, quá trình đã qua đã mang lại kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các sản phẩm, giải pháp của Rạng Đông đã được ghi nhận. Cụ thể, Giải pháp Chiếu sáng G – S – HCL trong tòa nhà, căn hộ thông minh được Tổ chức Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2020 xếp hạng cao nhất (5 sao). Giải pháp Chiếu sáng Nông nghiệp thông minh và Nông nghiệp chính xác được Ban Tổ chức Giải thưởng Sao Khuê 2021 bình chọn là Sản phẩm/ Giải pháp xuất sắc. Rạng Đông đã được tỉnh Bến Tre giao thực hiện hệ thống Chiếu sáng đường phố Thông minh cho toàn Thành phố Bến Tre với phòng điều khiển Trung tâm tại UBND Thành phố. Trên 25 Thành phố khác sau khi tham quan đã có văn bản yêu cầu Rạng Đông khảo sát, tham gia Đề án Thành phố Thông minh của địa phương.
"Năm 2020, năm đầu tiên tiến hành chuyển đổi số, Rạng Đông tăng trưởng doanh thu 15,6% so cùng kỳ. Quý 4/2020 tăng trưởng doanh thu đạt 20,0% so cùng kỳ. Quý 1/2021 doanh thu tăng 38,4% (Trong đó xuất khẩu tăng 70%, sản phẩm CSL & G - S – HCL tăng 176%, HTAL và Năng lượng tái tạo tăng 32,9%). Đặc biệt nộp Ngân sách tăng 78,1%, lợi nhuận thực hiện tăng 45,7% so cùng kỳ", ông Thăng nói.
Lãnh đạo công ty Rạng Đông cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu cứ giữ mô hình cũ, tăng trưởng tiệm tiến khoảng 5 - 10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với 3 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) còn rất xa, chưa nói so với các nước phát triển. Chỉ với Chuyển đổi số - Mô hình tăng trưởng cấp số nhân, mới hy vọng chúng ta đuổi kịp.
Chuyển đổi số ở Rạng Đông diễn ra như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương - Chuyên gia tư vấn trưởng Chuyển đổi số Công ty Rạng Đông đã chỉ ra những cách giúp doanh nghiệp 60 năm tuổi thay da đổi thịt bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế.
Năm 2019, Rạng Đông hoàn thành kế hoạch 5 năm sớm trước 1 năm. Có thể nói đây là đỉnh cao của phát triển. Tuy nhiên, Rạng Đông sớm nhận diện rõ thách thức phải đối mặt từ CMCN 4.0. Với ngành chiếu sáng, xu thế toàn cầu chuyển từ chiếu sáng rắn sang chiếu sáng thông minh, thị trường chiếu sáng thì có tới 4.564 đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Cạnh tranh bất tương xứng của thời 4.0 khi phải đối mặt với doanh nghiệp ngoài ngành, bao gồm các công ty công nghệ…. Ngoài ra, hành vi khách hàng thay đổi cũng tạo ra những thách thức to lớn cho một công ty thời tiền Internet như Rạng Đông.
Cách duy nhất để Rạng Đông phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ tới là thực hiện chuyển đổi số. Đó là một cuộc cách mạng mà không tham gia vào sẽ bị chậm chân. Rạng Đông xác định con người chứ không phải công nghệ, mới là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số. Con người của Rạng Đông có nhiều lợi thế khi họ là chủ thực sự của doanh nghiệp. Dù đã được cổ phần hóa nhưng văn hóa sâu đậm của một Rạng Đông truyền thống Anh hùng, có Bác Hồ và khát khao làm thỏa lòng Bác mong vẫn mang lại giá trị to lớn cho Rạng Đông.
Ngoài nguồn nhân sự, Rạng Đông cũng tạo ra những thay đổi lớn về quản trị, về khoa học công nghệ, năng lực thiết kế, chuẩn bị tự động hóa để chuyển dịch dần 2.0. 3.0 lên 4.0 (năm 2019, có 61% dây chuyền Rạng Đông đã tự động hóa) và ứng dụng phần mềm vào quản trị điều hành.
Để hoàn thành mục tiêu tham vọng, Rạng Đông cho ra mắt sản phẩm hàm lượng trí tuệ cao, kết nối IoT nhưng vẫn duy trì mô hình kinh doanh truyền thống và phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó có thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Để không tụt lại phía sau, cách tiếp cận thị trường truyền thống cũng được thay thế bằng cách tiếp cận nhanh và mạnh.
Về sứ mệnh, tầm nhìn, Rạng Đông sẽ đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ hệ sinh thái LED 4.0 xanh, bảo vệ môi trường và cuộc sống. Công ty kỳ vọng đạt mục tiêu thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chiếu sáng Việt vào năm 2025 với mức lương bình quân cho người lao động là 2.000 USD/tháng.
Bài học chuyển đổi số của Rạng Đông hữu ích cho các doanh nghiệp Công nghiệp truyền thống
Đó là nhận định của PGS/TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam, tại Diễn đàn chuyển đổi số - doanh nghiệp công nghiệp truyền thống – con đường phát triển của Rạng Đông. Ông Thao nhấn mạnh, lịch sử của Rạng Đông là một lịch sử điển hình của doanh nghiệp Việt Nam, tự lực, tự cường, không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ.
Ngoài ra, Rạng Đông cũng vượt qua nhiều thách thức lịch sử, trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chiếu sáng trong nước và đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam.
Bày tỏ ấn với kết quả mà Rạng Đông đạt được trong năm qua, ông Thao nhấn mạnh tăng trưởng trong khoảng 40% đặc biệt có ý nghĩa khi các doanh nghiệp nhìn chung chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Thao cũng bày tỏ ấn tượng với tiến trình chuyển đổi số của Rạng Đông, vốn là một doanh nghiệp công nghiệp truyền thống với không nhiều lợi thế về mặt công nghệ.
"Chuyển đổi số quan trọng nhất là lãnh đạo có tầm nhìn, đội ngũ người lao động quyết tâm, sáng tạo và cách làm phù hợp. Sở hữu đầy đủ những yếu tố đó, chuyển đổi số là cơ hội thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng và xã hội", ông Thao chia sẻ.
Vị Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam nhấn mạnh diễn đàn mà Rạng Đông tổ chức nhân dịp 60 năm ngày thành lập Công ty và 57 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty là vô cùng ý nghĩa bởi "chuyển đổi số được nói đến nhiều nhưng làm như thế nào, bắt đầu từ đâu, chuẩn bị những gì... thì chưa thực sự rõ ràng". Ông Thao hy vọng cách làm của Rạng Đông có thể trở thành thông tin tham khảo bổ ích cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, đặc biệt là doanh nghiệp Công nghiệp truyền thống.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS/TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng nhấn mạnh chặng đường đã qua của Rạng Đông là một chăng đường đáng tự hào. Theo đuổi triết lý lấy con người làm trung tâm cùng nguyên tắc làm việc nhằm tuân theo tâm niệm của Bác Hồ vĩ đại đã góp phần tạo nên thành công của Rạng Đông.
PGS/TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Chia sẻ về quá trình hợp tác giữa công ty với Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Thắng nhấn mạnh những sản phẩm hoàn toàn mang tri thức, chất xám của người Việt được làm ra, được đón nhận ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế là điều đáng tự hào với cả đôi bên.
Trong quá trình hợp tác kéo dài hơn 1 thập kỷ với Rạng Đông, ông Thắng luôn nhấn mạnh đến việc sáng tạo của các nhà khoa học được tôn trọng, điều kiện cho sáng tạo luôn được ưu tiên hàng đầu và các bài toán khó về đổi mới công nghệ, đảm bảo sản phẩm chất lượng tốt nhất luôn được đặt ra. Ông Thắng kỳ vọng mô hình này sẽ được nhân rộng từ Rạng Đông sang các doanh nghiệp khác.
Đề cập tới thách thức tiềm năng trong thời gian tới, ông Thắng càng nhấn mạnh sự hợp tác hơn nữa của các bên để luôn đổi mới, luôn sáng tạo công nghệ giúp sản phẩm Make in Vietnam có chỗ đứng và vững bước tiến ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Bí thư đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Bí thư đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội, cũng đã gửi lời chúc mừng tới Rạng Đông cùng diện mạo mới, năng động, sáng tạo, lấy phục sự khách hàng làm mục tiêu ở tuổi 60. Tại Diễn đàn, ông Sơn tin rằng những thông tin và kinh nghiệm quý báu được chia sẻ có thể rất hữu ích cho các doanh nghiệp tương tự muốn triển khai chuyển đổi số.
Kinh nghiệm chuyển đổi số ở Rạng Đông
Trong phần tham luận của mình, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Viện sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) nhấn mạnh chuyển đổi mô hình kinh doanh là cấp độ cao nhất của chuyển đổi số. Lấy ví dụ của Xiaomi, ông Tuấn nhấn mạnh doanh nghiệp này đã đạt giá trị vốn hóa chỉ 45 tỷ USD chỉ sau 4 năm chuyển khai mô hình kinh doanh giữa truyền thống và kỹ thuật số.
Với sự bùng nổ của công nghệ, xu hướng dòng tiền chảy từ nền tảng này sang nền tảng khác đã được nhìn thấy rõ. Việc cung cấp sản phẩm cũng đang dần dịch chuyển sang cung cấp dịch vụ kiểu thuê bao. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng chịu áp lực chuyển đổi mô hình kinh doanh từ công nghệ, thay đổi hành vi kiểu khách hàng, đối thủ...và đặc biệt là cơ hội tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Viện sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI).
Chính bởi những đòi hỏi đó, Rạng Đông đang tư duy lại mô hình kinh doanh của chính mình. Công ty chuyển từ bán sản phẩm sang bán dịch vụ, giải pháp, trải nghiệm; từ phát triển sản phẩm sang xây dựng nền tảng, hệ sinh thái; phân phối qua kênh truyền thống được thay đổi bằng hình thức đa kênh, sản phẩm trở nên đa dạng, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng và đảm bảo phục vụ trọn đời cho nhu cầu của khách.
Ngoài ra, Rạng Đông cũng hợp tác để tích hợp sản phẩm của mình với các đối tác như FPT, Viettel, VNPT… để gia tăng trải nghiệm khách hàng trong nhà thông minh. Điều này mang lại cơ hội thành công lớn hơn cho Rạng Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương, Viện trưởng viện Điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội nhấn mạnh những lợi thế to lớn mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp, cho phép chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số. Ông Phương cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu nếu không muốn bị loại ra. Tuy nhiên, nhiều bên còn lúng túng trong triển khai, mơ hồ giữa số hóa và chuyển đổi số. Ở Rạng Đông, chuyển đổi số được xác định từ sớm với 3 trụ cột là Sản xuất số hóa, khách hàng số hóa và con người số hóa.
Trong quá trình này, Đại học Bách khoa Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ với Rạng Đông để đạt được những đột phá về công nghệ, trong đó chú trọng nhất tự động hóa đây chuyền sản xuất thông minh, hệ thống nhà máy thông minh. Ngoài ra, hệ thống giải pháp điều hành sản xuất MES cho nhà máy thông minh cũng được xây dựng và đưa vào thực tế. Xe tự hành thông minh trong các nhà máy của Rạng Đông là một ví dụ cho quá trình hợp tác với Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, còn có hệ thống SCADA thu thập dữ liệu vận hành.
Không chỉ hợp tác với các trường, Rạng Đông cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam. Tham dự diễn đàn, ông Lê Trọng Đức, Giám đốc Dự án FPT Play-FPT Telecom cũng đã chia sẻ về quá tình hợp tác giữa doanh nghiệp với Rạng Đông trong hệ sinh thái nhà thông minh.
Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc Dự án FPT Play-FPT Telecom.
Nhìn ra các vấn đề hiện tại của nhà thông minh, phía FPT đang nỗ lực hợp tác để giải quyết tình trạng quá nhiều thiết bị nhà thông minh đang có trên thị trường. Phía FPT cho biết họ đã làm việc với Google để đưa tính năng điều khiển giọng nói cho nhà thông minh. Điều đó sẽ giúp cho việc liên kết với các doanh nghiệp đặc thù như Rạng Đông trở nên linh hoạt hơn.
Với lợi thế về sản xuất và không ngừng đổi mới công nghệ, Rạng Đông có thể đáp ứng hoàn hảo yêu cầu của những doanh nghiệp như FPT, trở thành một mắt xích quan trọng cho hệ sinh thái nhà thông minh nhưng vẫn đảm bảo được sản phẩm cốt lõi của mình đến được với khách hàng.
Doanh nghiệp truyền thống phải làm sao để chuyển đổi số?
Trong phần tọa đàm thuộc khuôn khổ Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Quân, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ những ấn tượng với thành tích của Rạng Đông bởi nó vượt xa mong đợi của ông khi được doanh nghiệp tham vấn về kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 1 vào 2 năm trước.
Thời điểm đó, Rạng Đông đang khắc phục hậu quả của vụ cháy nhà máy, một sự cố được mô tả là nghiêm trọng. Tuy nhiên, bản lĩnh và khoa học công nghệ đã giúp Rạng Đông vượt qua được khó khăn. Đây chính là nền tảng để kỳ vọng công ty có thể đạt được những mục tiêu tham vọng trong tương lai như những gì Ban Giám đốc đã vạch ra.
Tuy nhiên, ông Quân cũng nhấn mạnh rằng chuyển đổi số ở những doanh nghiệp sản xuất như Rạng Đông là một hành trình khó khăn. Dẫu vậy, việc một doanh nghiệp 60 tuổi thuần sản xuất vượt qua tất cả trở ngại của chuyển đổi số mở ra hy vọng cho các doanh nghiệp khác trên con đường bất khả kháng này.
Chia sẻ lời khuyên với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, ông Quân nhấn mạnh vào 4 yếu tố, trong đó có sự thay đổi nhận thức, ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp; đam mê ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Chấp nhận đầu tư mạnh mẽ và xây dựng văn hóa thu hút người tài.
Tuy nhiên, hành trình của Rạng Đông không chỉ bao gồm những điểm thuận lợi. Tổng giám đốc Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng nói về 2 nỗi sợ lớn nhất mà ông đã phải vượt qua để đưa Rạng Đông tới con đường ngày hôm nay. Thứ nhất là nỗi sợ thất bại. Ở tuổi 79, ông Thăng nói rằng nếu thất bại, mình sẽ không có cơ hội làm lại.
"Khi chia sẻ nỗi sợ thất bại với anh Quân, tôi nhận được lời động viên rằng các doanh nghiệp chuyển đổi số không đến mức thất bại 90% đâu. Tỷ lệ thất bại khoảng 70-80% nhưng nếu cẩn thận, chỉ là 50-50 thôi. Tuy nhiên, nếu không chuyển đổi số, chắc chắn sẽ thất bại", ông Thăng kể lại.
Lời động viên cùng văn hóa kiên cường, ý chí bất khuất của người Rạng Đông tiếp thêm động lực cho người lãnh đạo như ông Thăng vượt qua nỗi sợ. Bên cạnh đó, quyết định phải số hóa toàn bộ, đi thẳng nào cốt lõi của chuyển đổi số là nỗi sợ thứ 2 đã được vượt qua. Đến thười điểm hiện tại, cả 2 quyết định này đều đang tỏ ra đúng đắn.
Ngoài tự thân vận động, Rạng Đông hiểu rất rõ vai trò của tri thức trong chuyển đổi số. Họ hợp tác với nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Ngoại thương với thỏa thuận hợp tác toàn diện năm 2016.
Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, chia sẻ: "Chúng tôi hợp tác không chỉ mong muốn lợi ích cho cả 2 bên mà còn kỳ vọng xây dựng được một mô hình có khả năng lan tỏa. Ngoại thương là trường về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Nếu chúng tôi hợp tác thành công với một doanh nghiệp sản xuất, đó sẽ là lời giải cho những bài toán khó đang tồn tại trong thực tế.
Về phần các doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin (VNPT), cho rằng sự hợp tác với những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực chuyển đổi số như VNPT, Viettel, FPT với các doanh nghiệp sản xuất như Rạng Đông có thể tạo ra những sản phẩm Make in Vietnam, được may đo cho thị trường Việt Nam và mang lại giá trị vượt trội.
Rạng Đông – 60 năm phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế. Diễn đàn kỷ niệm thành lập Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được phối hợp tổ chức vào sáng ngày 28/4/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sẽ giải đáp con đường thành công của Rạng Đông trong chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp truyền thống.
Sự kiện được livestream trên fanpage VTV2 và website CafeF từ 9h00-13h00 ngày 28/4/2021.
Ánh Dương