(Tổ Quốc) - Kể từ ngày 3/9, người dùng ứng dụng VieON đã chính thức không thể thanh toán dịch vụ này thông qua cổng thanh toán Ví điện tử MoMo. Hiện tại, VieON đang có những bước đi pháp lý để đòi lại quyền lợi cho người dùng.
Ví điện tử MoMo chấm dứt hợp đồng với đối tác VietON
VieON là ứng dụng Việt Nam tạo kỷ lục về lượt tải khi chỉ trong vòng 24h ra mắt đã nhanh chóng chiếm ngay vị trí Top free Apps của cả App Store và Google Play. Tính đến nay, sau khi ra mắt gần 4 tháng, riêng trên nền tảng Android đã có hơn 1 triệu lượt tải ứng dụng từ Google Play. VieON cũng nhanh chóng đạt được nhiều kỷ lục người xem với các chương trình độc quyền, nổi bật là sự kiện "Sóng VieON", hiện tại là chương trình "Rap Việt" với hiệu ứng truyền thông vô cùng mạnh mẽ. Trung bình, ứng dụng này đạt mức tăng trưởng gần 500% sau mỗi tháng. Tuy nhiên, đầu tháng 9 vừa qua, ứng dụng đã gặp khó khăn đến từ phía đối tác cung cấp cổng thông tin thanh toán, cụ thể là Ví điện tử MoMo.
Theo thông tin chia sẻ từ phía Công ty CP VieON, ngày 15/7/2020, Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) đã gửi thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ Ví điện tử MoMo cho VieON với lý do: "Tạm thời không còn nhu cầu phát triển kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ đã hợp tác với quý công ty". Tình huống xảy ra đã khiến VieON không kịp phản ứng và rơi vào thế bị động.
Đại diện Công ty CP VieON cho biết hiện có đến 45% khách hàng đang lựa chọn phương thức thanh toán là Ví điện tử MoMo. Điều này đồng nghĩa rằng khách hàng cũ của VieON sẽ không thể tiếp tục gia hạn các gói dịch vụ và cũng gây cản trở không hề nhỏ cho người dùng mới có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, VieON đã nỗ lực trao đổi, làm việc với đối tác M_Service để làm rõ lý do và đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng nhằm bảo vệ lợi ích của người dùng. Ngày 22/7/2020, đại diện của VieON là công ty luật Duane Morris đã gửi thư trả lời lần 1 đến M_Service để bày tỏ thiện chí và từ chối toàn bộ ý định đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tiếp theo đó, hai bên đã có cuộc họp trực tuyến để giải quyết vấn đề trên nhưng không có kết quả khả quan.
Sau buổi họp, M_Service đã gửi email thông báo đến VieON về việc bảo lưu ý định đơn phương chấm dứt hợp đồng. Phía đại diện VieON là công ty luật Duane Morris tiếp tục gửi thư trả lời lần 2 để tái khẳng định quan điểm của mình. Đến ngày 3/9/2020, M_Service đã chính thức ngừng cung cấp dịch vụ cổng thanh toán Ví điện tử MoMo cho VieON.
Sau nhiều lần thương lượng bất thành, ngày 11/9, VieON chính thức nộp đơn khởi kiện M_Service để yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại. Đại diện VieON giải thích rằng hành động này của họ là nhằm đòi quyền lợi cho người dùng và mong muốn hai bên có thể tiếp tục hợp tác lâu dài.
Người dùng bức xúc gọi "cháy máy" tổng đài, VieON chịu thiệt hại nặng nề
Những ngày qua, nhiều người dùng VieON bày tỏ sự ngạc nhiên và bức xúc trên mạng xã hội khi đang trải nghiệm nội dung thì bị "nghẽn" vì không thể thanh toán dịch vụ qua Ví điện tử MoMo như thường lệ. Tổng đài VieON luôn trong tình trạng máy bận vì các cuộc gọi phản ánh từ khách hàng.
Một khách hàng phản ánh trên mạng xã hội khi không thể gia hạn gói dịch vụ qua MoMo
Theo thống kê của VieON, có đến 45% người dùng đang sử dụng hình thức thanh toán qua Ví điện tử MoMo. Hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dùng và gây thiệt hại nặng nề cho VieON. Từ ngày 3/9 đến nay, VieON không gia tăng được người dùng mới.
Hiện tại, VieON vẫn đang cố gắng đưa ra những hỗ trợ tạm thời để làm giảm tối đa ảnh hưởng đến trải nghiệm xem các nội dung chất lượng trên ứng dụng của người dùng. Công ty đã gửi email, tin nhắn để thông báo và hướng dẫn người dùng sử dụng các hình thức thanh toán thay thế khác như VNPAY, thẻ ATM, thẻ VISA, MasterCard,...
VieON đã đầu tư nhiều chi phí để thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá giải pháp thanh toán MoMo đến với người dùng
Là ứng dụng OTT với định hướng thanh toán không tiền mặt, hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng của M_Service đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư và phát triển kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của VieON với các đối thủ trong ngành. Chưa kể, về dài hạn, công ty sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ để xây dựng giải pháp thanh toán và quảng bá lại từ đầu. VieON cho biết sẽ có những bước đi pháp lý cần thiết để đòi lại quyền lợi cho người dùng.
Ánh Dương