Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của SeABank từ Ổn định lên Tích cực

(Tổ Quốc) - Moody’s, 1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới, vừa công bố báo cáo cập nhật kết quả xếp hạng của SeABank với đánh giá triển vọng phát triển từ mức Ổn định lên Tích cực, đồng thời giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ở mức B1 năm thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, trong báo cáo công bố ngày 31/5, Moody's cho biết, triển vọng "Tích cực" của SeABank (mã chứng khoán SSB) phản ánh đánh giá của tổ chức này về những cải thiện về chất lượng tài sản của Ngân hàng trong những năm gần đây, có thể dẫn đến chi phí tín dụng thấp hơn và lợi nhuận cao hơn, giúp nâng cao BCA của SeABank trong 12-18 tháng tới.

Moody’s kỳ vọng khả năng sinh lời tại SeABank sẽ cải thiện trong 12-18 tháng tới do lợi suất cao hơn từ cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vốn sẽ vẫn ổn định vì nguồn vốn nội bộ sẽ hỗ trợ tăng trưởng tài sản.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của SeABank được cải thiện ổn định trong những năm gần đây. Tỷ lệ cho vay có vấn đề, bao gồm các khoản nợ xấu và trái phiếu do VAMC phát hành, đã giảm xuống 1,9% vào cuối năm 2020. SeABank cũng đang cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối năm 2020. Moody's kỳ vọng chất lượng tài sản của Ngân hàng phần lớn vẫn ổn định trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn hỗ trợ tốt.

Moody’s là một trong những tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu quốc tế. Các báo cáo xếp hạng, đánh giá tín nhiệm của hãng này luôn là thước đo quan trọng được các nhà đầu tư quốc tế trên toàn cầu dựa vào đó để xem xét năng lực, sức khỏe tài chính và tín nhiệm của các đơn vị được xếp hạng.

Việc Moody’s nâng đánh giá triển vọng phát triển của SeABank từ Ổn định lên Tích cực thể hiện đánh giá tốt của tổ chức này đối với hiệu quả hoạt động và tiềm năng của Ngân hàng. Đây cũng là cơ sở quan trọng để khẳng định vị thế, tiềm lực, uy tín của SeABank với khách hàng, đối tác đặc biệt là cộng đồng đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm đồng thời luôn đi đầu trong việc đáp ứng với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.

Những năm gần đây, SeABank có sự tăng trưởng đáng kể cũng như đóng góp tích cực cho nền kinh tế nói chung. Hiện SeABank được đánh giá là một trong 17 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng năm 2021.

Kết thúc quý I/2021, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tổng tài sản đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24%; Tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%; Cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh (TOI) của Ngân hàng cũng đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48% và Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 40,8% so với mức 52,9% cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong quý I/2021, SeABank chính thức niêm yết và giao dịch trên HoSE với mã chứng khoán SSB, giá cổ phiếu hiện đã tăng gấp hơn 2 lần lúc mới lên sàn, đưa giá trị vốn hóa của SeABank nằm trong Top 12 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/5/2021, vốn hóa của SeABank đạt 47.141 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD.

Theo kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% đạt 198.229 tỷ đồng; Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7% đạt 124.277 tỷ đồng; Dư nợ cho vay khách hàng tăng 13% đạt 122.978 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 2.414 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,76%.

SeABank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ giúp SeABank tăng năng lực tài chính để mở rộng và phát triển mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch, tạo điều kiện đẩy mạnh kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngân hàng, đồng thời giúp SeABank đứng vững trước những biến động của thị trường.

Hằng Kim

Tin mới