(Tổ Quốc) - Khi triển khai nội bộ, Viettel đã khắc phục được 98-99% lỗi server quá tải giờ cao điểm, hiệu suất sử dụng tài nguyên tăng trung bình 30-80%.
"Không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ chết" – Đây có lẽ là bài học lớn nhất mà các doanh nghiệp rút ra sau khi trải qua những ngày tháng khó khăn của đại dịch Covid-19. Để chuyển đổi số, doanh nghiệp nào cũng cần có một cái "kho" để lưu trữ tài nguyên và điện toán đám mây (cloud) chính là "cái kho" của thời đại 4.0.
Cloud ở trong hệ sinh thái giải pháp số toàn diện vừa được Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) chính thức cung cấp có gì khác biệt? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Đại Phong - Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions. Hiện tại, hệ sinh thái giải pháp số toàn diện này đang được Viettel triển khai cho 3 "ông lớn" gồm: NovaGroup, ACV (Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Dịch vụ Cloud mà Viettel cung cấp có điểm gì khác biệt so với các dịch vụ tương tự trên thị trường?
Dịch vụ Cloud thông thường chia làm 3 phân lớp. Lớp đầu tiên là tư vấn về Cloud. Lớp thứ 2 là thực thi và chuyển đổi lên Cloud. Lớp thứ 3 liên quan đến vận hành, quản lý giám sát, hạ tầng và dịch vụ Cloud. Viettel Solutions cung cấp dịch vụ toàn trình cho cả 3 nhóm sản phẩm như vậy.
Ngoài ra, ở dịch vụ Cloud, chúng tôi đã làm chủ các công nghệ lõi, bên cạnh việc hợp tác với các "ông lớn" về công nghệ điện toán đám mây trên thế giới như Amazon, Google Cloud, Microsoft…
Chúng tôi đã có kinh nghiệm xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn từ những năm 2007 – 2008. Sau 12 năm hoạt động, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi hàng trăm dịch vụ cloud cho các Bộ, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức… Có thể nói, kinh nghiệm linh hoạt trong việc triển khai, giám sát các hoạt động 24/7 trong 12 năm chính là một sự khác biệt rất xa so với các đơn vị khác trên thị trường.
Ở góc độ một doanh nghiệp, tổ chức đang đi tìm giải pháp Cloud, vì sao họ nên tìm đến Viettel?
Ngoài việc cung cấp dịch vụ toàn trình với 3 phân lớp như tôi vừa nói thì có 2 điểm quan trọng được coi là lợi thế đặc biệt của Viettel.
Thứ nhất là hạ tầng trung tâm dữ liệu. Thứ 2 là hạ tầng chuyên kết nối trong nước và quốc tế.
Xu thế về công nghệ hiện nay là Cloud computing – Điện toán đám mây và Edge computing – Điện toán biên. Khi triển khai điện toán đám mây và điện toán biên thì dữ liệu phải càng gần người dùng càng tốt. Viettel tự tin là đơn vị hàng đầu Việt 1Nam về cơ sở hạ tầng kết nối, hạ tầng truyền dẫn cáp quang trong nước và quốc tế. Nhờ đó, tốc độ truy cập dữ liệu của khách hàng rất nhanh.
Với dịch vụ điện toán đám mây Cloud của Viettel, doanh nghiệp có thể truy xuất mọi lúc mọi nơi, nâng cao khả năng sao lưu và khôi phục dữ liệu, giảm thiểu rủi ro do lỗi hạ tầng hay khả năng co giãn tài nguyên theo yêu cầu.
Trước khi đưa Cloud vào hệ sinh thái giải pháp số toàn diện để cung cấp cho khách hàng, Viettel đã có những kết quả gì khi triển khai cho các khách hàng trước đây?
Khi triển khai cho nội bộ thì Viettel cung cấp hạ tầng với tổng quy mô khoảng 20.000 máy chủ cho 15.000 khách hàng doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã triển khai hạ tầng Cloud trên 11 quốc gia mà Viettel đang đầu tư và kinh doanh.
Theo thống kê, nội bộ Viettel đã khắc phục được 98-99% lỗi server quá tải giờ cao điểm, hiệu suất sử dụng tài nguyên tăng trung bình 30-80%. Ngày xưa, khi cấp phát tài nguyên máy chủ, thời gian tính bằng tuần, còn bây giờ thời gian cấp phát chỉ tính theo phút thôi. Các chỉ tiêu phục hồi sau lỗi, back up tự động cơ bản cũng chỉ mất từ 3-5 phút.
Nói đơn giản, khách hàng sử dụng dịch vụ Cloud của Viettel sẽ có những thay đổi như thế nào?
Đầu tiên là về góc độ kỹ thuật. Trong những hoạt động như khắc phục về lỗi server quá tải, hiệu suất cấp phát tài nguyên, cơ chế, các yếu tố kỹ thuật… thì các khách hàng đều được hưởng lợi ích như Viettel đã trải qua.
Về góc độ quản trị, thông thường tùy quy mô, khách hàng có thể tiết kiệm 30-50% chi phí nhờ tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả đầu tư và tiết kiệm chi phí vận hành.
Điều gì là khó khăn nhất khi triển khai giải pháp Cloud của Viettel?
Thứ nhất là hiện tại có rất nhiều khách hàng không có nguồn lực về IT nên các hệ thống quản trị của họ sử dụng rất nhiều nền tảng khác nhau. Để chuyển đổi các nền tảng đó lên Cloud thì đầu tiên là phải nắm được công nghệ. Đây là một khó khăn phổ biến của khách hàng.
Thứ 2 là nhận biết được lợi ích đem lại. Các khách hàng bao giờ cũng đánh giá lợi ích dựa trên chi phí, quản trị và an toàn thông tin nhưng họ chưa hiểu rõ, chưa hình dung được những lợi ích từ việc triển khai ứng dụng công nghệ. Khi khách hàng hiểu rồi thì họ thấy lợi ích như tôi đã nói, việc thực hiện sẽ rất nhanh.
Ánh Dương