(Tổ Quốc) - Cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh 2 phiên gần đây sau chuỗi những phiên giảm điểm liên tiếp trước đó.
Thị trường chứng khoán hôm nay (23/6) diễn biến tích cực, VnIndex đóng cửa cao nhất phiên lên 1.188,88 điểm, tăng 19,61 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ngập trong sắc xanh khi 20/27 mã tăng giá. Trong 10 cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới VnIndex thì có tới 5 cổ phiếu ngân hàng là CTG, TCB, BID, VIB, MBB.
Trong đó, CTG tăng mạnh nhất với mức tăng kịch trần 7%, đóng cửa ở giá 25.250 đồng/cp. Cổ phiếu này cũng được nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh, mua ròng gần 2,8 triệu cổ phiếu, giá trị gần 65 tỷ đồng. CTG đã tăng 3 phiên liên tiếp với mức tăng tổng cộng gần 12%.
Cổ phiếu VIB duy trì sắc xanh ổn định từ khi mở cửa cho đến khi đóng cửa ở mức giá cao nhất trong phiên 20.350 đồng/cp, tăng 5,7%. Trước đó, VIB tăng kịch trần trong ngày 22/6, từ đó tăng 13% chỉ trong 2 phiên.
Thanh khoản của VIB có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ đầu tuần đến nay (20-23/6) đã có hơn 30,3 triệu cp được giao dịch, giá trị gần 600 tỷ đồng, gấp khoảng 2 lần so với 4 phiên đầu tuần trước (13-16/6).
Nhiều mã ngập trong sắc đỏ phiên sáng nhưng bất ngờ đảo chiều tăng giá trong phiên chiều như LPB, OCB, MSB,... Chẳng hạn, OCB trong sáng nay có lúc giảm 1,2% xuống 16.300 đồng/cp nhưng phiên chiều lại bật tăng và đóng cửa giá 16.800 đồng/cp (tăng 1,8%). Trước đó, trong phiên 22/6, OCB cũng đã tăng 2,5%.
Thanh khoản OCB tăng mạnh với hơn 13,3 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư trong hôm nay, gồm hơn 824,2 nghìn cp được khớp lệnh và hơn 12,5 triệu cp được giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Số cổ phiếu OCB được thỏa thuận hôm nay có giá trị tới hơn 200 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 16.000 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu ngân hàng giảm 23/6, tuy nhiên mức giảm nhẹ: HDB (-0,4%), VCB (-0,1%).
Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh gom một số cổ phiếu ngân hàng như STB (mua ròng hơn 3,7 triệu cp), CTG (hơn 2,7 triệu cp), VCB (hơn 100.000cp), SHB (hơn 70.000 cp),…Trong khi đó, bán ròng EIB, HDB, LPB, TPB,…
Ở phương thức giao dịch thỏa thuận, ngoài OCB có giao dịch "khủng" thì một số mã khác như SHB, VPB, TCB cũng ghi nhận hàng trăm tỷ đồng được trao tay theo phương thức này. Cụ thể, SHB có gần 10 triệu cp được thỏa thuận, giá trị hơn 131 tỷ đồng, VPB có hơn 3,9 triệu cp với giá trị hơn 114 tỷ, TCB có hơn 3,5 triệu cp với giá trị hơn 117 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng bật tăng hồi phục mạnh 2 phiên gần đây sau chuỗi những phiên giảm điểm liên tiếp trước đó. Thậm chí trong phiên 22/6, nhóm cổ phiếu ngành tài chính là lực đỡ cho thị trường.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã được chiết khấu về mức khá hấp dẫn. Theo Agriseco, định giá ngành ngân hàng hiện tại theo P/B (1,6x) đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm (2,0) và thấp hơn so với VN – Index. Mặcdù định giá hiện nay của các ngân hàng tại Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực (P/B khoảng 1,3x) nhưng chỉ số ROE (18,6x%) cao hơn hẳn so với mức trung bình các nước trong khu vực (10,x%).
VnDirect cũng cho rằng thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống 1,46 lầnP/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng quýII/2022, BSC cũng nhận định rằng ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn so với mức tăng trưởng lợi nhuận, cùng nhiều yếu tố hỗ trợ có thể diễn ra sẽ giúp các cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng vượt trội hơn so với mặt bằng chung của VNIndex. BSC cũng kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành, trong đó, việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn.
Ánh Dương - Thu Thuỷ