(Tổ Quốc) - Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trước khi bước vào mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022.
Trong tuần giao dịch vừa qua (27/6-1/7/2022), cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá tích cực với 19 mã tăng giá, 1 mã không đổi và chỉ 7 mã giảm giá.
Đặc biệt, trong phiên 28/6, cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường khi 25/27 mã tăng giá, nhiều mã có lúc tăng kịch trần. Những cổ phiếu lớn như BID, CTG…đều tăng mạnh.
Cổ phiếu BID ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong tuần qua, đóng cửa phiên giao dịch 1/7 ở giá 35.050 đồng/cp, tăng 12,3%. Cổ phiếu này bắt đầu nổi sóng từ phiên 21/6 đến nay với 9/10 phiên ngập trong sắc xanh, chỉ phiên 30/6 giảm giá khi toàn thị trường "bốc hơi" mạnh. Theo đó, trong 2 tuần, cổ phiếu BID đã tăng 19%.
Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo trong 5 phiên giao dịch qua là VIB (10,4%), CTG (8,9%), KLB (7,9%), HDB (6,5%),…
Tương tự BID, cổ phiếu VIB nổi sóng từ ngày 22/6 đến nay với 7/8 phiên tăng giá, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần. Theo đó, trong gần 2 tuần, cổ phiếu này đã tăng 26%.
Ở chiều ngược lại, có 7 cổ phiếu giảm giá tuần qua, ngoài NVB giảm mạnh 4,3% thì các mã khác như PGB, VCB, LPB, ABB,…không bị mất giá quá mạnh (giảm 1-2%).
Thanh khoản nhóm ngân hàng tăng mạnh trong phiên 28/6 đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tuy nhiên các phiên còn lại vẫn lình xình quanh 1.300-1.600 tỷ. Theo đó, giá trị giao dịch của ngành trong tuần qua chỉ đạt hơn 8.800 tỷ đồng.
Cổ phiếu bank thu hút dòng tiền của khối ngoại tuần qua với khối lượng mua ròng hơn 19,3 triệu cp. Trong đó những mã được mua mạnh nhất là CTG (hơn 8,9 triệu cp), STB (hơn 4,7 triệu cp), HDB (hơn 3,7 triệu cp),…
Đáng chú ý, HDB ghi nhận chuỗi mua ròng 5 phiên liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng này đang chốt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 18%, tương đương gần 365 triệu cp. Trong khi đó, sau thời gian liên tục gom, khối ngoại đã nâng sở hữu lên sát 17%. Như vậy, họ chỉ cần mua ròng thêm hơn 20,6 triệu cp nữa sẽ kín "room".
Giá cổ phiếu HDB cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua khi tăng 6,5%, là một trong 5 mã có mức tăng tốt nhất.
Ngân hàng đang chuẩn bị bước vào mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2022. Trong báo cáo phân tích gần nhất, Chứng khoán Yuanta kỳ vọng lợi nhuận quý 2 của toàn ngành sẽ giảm so với quý 1 do tín dụng chỉ tăng trưởng nhẹ so với quý trước và chủ yếu do lợi nhuận của quý 1 đã khá cao với đóng góp của khoản thu nhập ngoài lãi bất thường. Các chuyên gia cũng cho rằng chi phí tín dụng quý 2 sẽ tăng lên, đặc biệt tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp vì các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi thông tư 14 về cơ cấu nợ covid hết thời hạn.
Thị trường vẫn đang trông đợi vào đợt nới "room" tín dụng sắp tới. Nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao cho từ đầu năm. Yuanta cho rằng, NHNN sẽ nới room tín dụng trong tháng 8 thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng, cơ quan quản lý có thể sẽ không vội "nới" khi kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong quý 2.
Ngày 18/7 tới đây, HoSE sẽ công bố danh mục định kỳ chỉ số VN30 và hiệu lực sẽ bắt đầu từ ngày 01/08/2022. VNDIRECT đã đưa ra dự báo về sự thay đổi cơ cấu danh mục rổ VN30 trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, VIB được cho sẽ được thêm vào danh mục chỉ số VN30 trong đợt xem xét định kỳ lần này khi có giá trị vốn hóa lớn nhất trong số các cổ phiếu không thuộc VN30 hiện nay, giá trị bình quân 1 năm đạt khoảng 63 nghìn tỷ đồng. Ngược lại, VNDIRECT ước tính PNJ sẽ bị loại ra khỏi danh mục chỉ số do nằm ngoài top 21- 40 về giá trị vốn hóa thị trường để có thể duy trì là một thành phần của rổ VN30.
Thu Thuỷ