(Tổ Quốc) - Đó là nhận định của Chủ tịch PNJ kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam Cao Thị Ngọc Dung.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, văn hóa không phải là thứ gì đó có thể ngay lập tức xuất hiện mà phải được xây dựng, bồi đắp qua năm tháng và sự kiên nhẫn của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ được đền đáp xứng đáng. PNJ đã mất 33 năm xây dựng và phát triển nên văn hóa như ngày hôm nay.
"Chúng ta điều biết, văn hóa doanh nghiệp quan trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào, nhất là trong Covid-19 vừa qua. Chính vì có nền tảng văn hóa mạnh đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua được những thời khắc khó khăn và khủng hoảng", bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ với chúng tôi.
Các giá trị cốt lõi tại PNJ luôn thúc đẩy nhân viên mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Cũng theo bà Cao Thị Ngọc Dung, văn hóa doanh nghiệp được biểu hiện qua nhiều hành động, hoạt động và lĩnh vực. Văn hóa của PNJ được gầy dựng từ những giá trị nhân văn trong những ngày đầu, được tích luỹ dần và tạo thành tư chất bên trong con người PNJ.
Nếu xem tổ chức như 1 con người, thì văn hóa doanh nghiệp chính là linh hồn của doanh nghiệp và được tích tụ qua nhiều năm tháng, tiến hóa qua từng giai đoạn.
Cụ thể hơn, PNJ xây dựng trên lẽ sống là niềm tin, từ đó xây dựng cho mình 1 sứ mệnh – tầm nhìn và chúng đưa PNJ trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững. Các giá trị cốt lõi của PNJ có trong nội thân của từng thành viên và toát ra một cách tự nhiên.
Siêu thị mini 0 đồng kịp thời được triển khai nhằm cứu trợ bà con vùng tâm dịch.
"Siêu thị mini 0 đồng xuất phát từ giá trị ‘quan tâm cùng phát triển’. Trong đại dịch, chúng tôi không chỉ quan tâm tới đời sống của CBCNV mình, mà còn quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe người thân trong hơn 6.000 gia đình của nhân viên PNJ và nhất là tại TP.HCM (4.000 gia đình).
Ngoài ra, chúng tôi còn muốn quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội tại thời điểm đó - như các hộ gia đình khó khăn, công nhân hay sinh viên, họ rất cần sự đóng góp của xã hội.
Có rất nhiều cách cho, chúng tôi có thể mang tiền đến tổ chức nào đó và nhờ họ tặng quà giúp. Tuy nhiên, lúc đó, bà con rất khó để ra ngoài mua hàng hoặc nhận xong món quà đó rồi thôi – rất thụ động; còn khi chúng tôi làm Siêu thị 0 đồng, người dân được phát phiếu đến lựa chọn – mua hàng miễn phí theo nhu cầu.
Của cho không bằng cách cho! Có những người lần đầu tiên người ta được đi siêu thị, qua những hoạt động đó, chúng tôi biết rằng có những người rất khó khăn, họ cầm phiếu đi siêu thị 0 đồng mà rớt nước mắt. Điều đó thôi thúc tôi và PNJ cần phải làm nhiều thứ hơn nữa", Chủ tịch PNJ bày tỏ.
Dự án Siêu thị 0 đồng lúc đầu chỉ làm ở phạm vi hẹp – ở vài quận tại TP.HCM, sau đó lan tỏa ra cả thành phố và đã giúp được 100.000 hộ gia đình, hơn 6.000 sinh viên đang bị kẹt ở KTX và hỗ trợ 6.000 bác sỹ - y tá ở tuyến đầu. Sau đó chương trình còn lan tỏa nhiều tỉnh thành khác cả nước, tại Hà Nội, cùng với CLB Sao Đỏ, PNJ đã giúp được thêm 25.000 hộ dân ở thủ đô.
Ở khía cạnh khác, một doanh nghiệp có văn hóa mạnh sẽ thể hiện ra sức mạnh của doanh nghiệp, như tính nhân văn, tính tổ chức, tính kỷ luật và cộng đồng; khiến doanh nghiệp nổi trội trên thương trường. Khi 1 doanh nghiệp có văn hóa đẹp thì tự khắc doanh nghiệp đó đẹp kiểu ‘hữu xạ tự nhiên hương’, giúp thu hút nhân tài và được cộng đồng đánh giá cao.
Bà con vui mừng nhận được sự hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn khó khăn.
Là một người rất tâm huyết với công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nên không ngạc nhiên khi vị nữ doanh nhân này là thành viên của Ban vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp và là thành viên tích cực, góp công sức lớn trong việc tạo dựng Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
"Là người trong Ban vận động, tôi thường ứng dụng nhiều phát kiến trong lĩnh vực này vào doanh nghiệp mình và điều đó đã giúp PNJ trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn văn hóa kinh doanh quốc gia. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi!
Chính nhờ văn hóa mạnh đã giúp PNJ phát triển bền vững. Chứng nhận này sẽ là động lực khiến PNJ ngày càng làm giàu hơn văn hóa của mình hơn. Văn hóa doanh nghiệp không phải là bất biến mà nó sẽ thay đổi để ngày càng phù hợp hơn với quy mô của tổ chức và môi trường kinh doanh", bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định.
Với việc Tổ chức Diễn đàn ‘Văn hóa với doanh nghiệp’ hay thành lập Ban vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, rồi xây dựng 1 bộ tiêu chí chuẩn quốc gia, các doanh nghiệp dần dần sẽ triển khai những tiêu chí này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng phải xem lại những nền tảng – giá trị của mình có phù hợp hay không, để điều chỉnh và tiến hóa. Làm sao để cho mình trở thành 1 doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và phù hợp hơn với môi trường kinh doanh hiện đại.
Mục tiêu cuối cùng của tất cả những hành động nói trên ‘là ngày càng có nhiều hơn doanh nghiệp Việt đạt chuẩn văn hóa doanh nghiệp, chạm tới những giá trị đẹp, xây dựng nên nhiều doanh nghiệp bền vững và nền kinh tế bền vững’.
Ánh Dương