(Tổ Quốc) - Trong quý 1 năm nay, xuất khẩu sản phẩm của loại cây này đạt 381,78 nghìn tấn, trị giá 531,3 triệu USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu được 115,9 nghìn tấn cao su, trị giá 163,92 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 11,4% về trị giá so với tháng 2/2023; so với tháng 3/2022 tăng 3,1% về lượng, nhưng giảm 19% về trị giá.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 381,78 nghìn tấn, trị giá 531,3 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, tháng 3/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,9% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 86,81 nghìn tấn, trị giá 119,86 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 11,6% về trị giá so với tháng 2/2023. So với tháng 3/2022, xuất khẩu cao su tăng 24,4% về lượng, nhưng giảm 1,9% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.381 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước đó nhưng giảm 23,3% so với tháng 3/2022. Lũy kế 3 tháng đầu 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 292,61 nghìn tấn cao su, trị giá 397 triệu USD, tăng 4,4% về lượng, nhưng giảm 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài thị trường Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sang phần lớn các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022 như Nga, Hà Lan, Malaysia...
Thị trường châu Âu vẫn có cơ hội cho cao su Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN về thị phần cao su tại EU. Tại thị trường EU, ngành công nghiệp, sản xuất, tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ (sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, thiết bị, máy móc cho ngành chế tạo, y tế, hàng tiêu dùng), nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20, dự báo các mặt hàng này sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU trong những năm tiếp theo.
Bất chấp thách thức, ngành cao su Việt Nam vẫn có lợi thế
Khi đại dịch Covid-19 lùi xa, ngành cao su Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ cả thị trường thế giới và các yếu tố nội tại cản trở khả năng cạnh tranh của ngành, tờ The Star nêu.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ trở nên gay gắt hơn về giá cả, chất lượng sản phẩm, uy tín thương mại và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững ngày càng khắt khe của các thị trường khó tính.
Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác khó tính hơn. Điều này gây khó khăn cho việc thâm nhập thị trường tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Ngoài ra, hệ thống quản lý và các cơ chế chính sách như kê khai thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cao còn rời rạc đã khiến tăng trưởng của ngành và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo các hiệp định thương mại tự do, cao su thiên nhiên nhập khẩu vào Việt Nam hiện được hưởng thuế suất 0% sẽ khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhập khẩu hàng từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Điều này tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp cao su trong nước. Ngành chế biến sản phẩm cao su khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Thiếu các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng kém chất lượng từ các nước khác du nhập vào gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng trong nước. Bất chấp những thách thức, họ cho biết ngành công nghiệp này có những lợi thế trong tương lai.
Dy Khoa