(Tổ Quốc) - Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 7,4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2023. Trong đó, một loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 400%.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.
Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 2 thặng dư 2,3 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam xuất siêu trong 2 tháng đầu năm lên 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.
Xét về xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2023, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 652 triệu USD, chiếm 1,3%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 44,38 tỷ USD, chiếm 89,8%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 6,9%; hàng thủy sản ước đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 2%.
Xét về nhập khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2023 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2023, hàng tư liệu sản xuất ước đạt 43,64 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,3%. Hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 2,98 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chỉ có thị trường Trung Quốc tăng trưởng và đang phục hồi mạnh mẽ.
Trong 2 tháng đầu năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD nhưng giảm 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%...
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, chính sách mở cửa trở lại từ đầu năm 2023 đã tác động tích cực đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,4 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19,3%; ASEAN ước đạt 29,7 tỷ USD, giảm 18,7%; Nhật Bản giảm 5,2%…
Bộ Công thương cho biết, sự sụt giảm và thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường chủ lực và xu hướng giảm giá của nhiều loại hàng hóa khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm.
Thực tế, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 2. Một số mặt hàng nông sản đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 2 đến 3 con số. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc mà một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Hầu hết mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng 411,22% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 120,65% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc cũng thu về hơn 31 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2023, tăng tới 106,9% so với cùng kỳ.
2 mặt hàng còn lại xuất khẩu sang Trung Quốc có tốc độ tăng giá trị lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2023 là: Giấy và các sản phẩm từ giấy ( tăng 103,62% so với cùng kỳ) và xăng dầu các loại (tăng 99,53% so với cùng kỳ).
Minh Tiến